Phòng, chống "diễn biến hòa bình"

Mối quan hệ giữa Tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác - Lênin trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta

Thứ Hai, 25/05/2015, 09:13
Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đã và đang bôi nhọ, bóp méo tư tưởng chính trị của Đảng ta; xuyên tạc mối quan hệ giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin với Tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây để bạn đọc có thêm tư liệu nhìn nhận vấn đề một cách khoa học, khách quan.

Trên thế giới ngày nay, không có đảng chính trị nào lại không dựa trên một tư tưởng chính trị để tập hợp lực lượng, đoàn kết trong đảng, lãnh đạo, cầm quyền. Chẳng hạn đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa (ở Mỹ), đảng Dân chủ xã hội, đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, đảng Xanh (ở CHLB Đức)…

Việc lấy một tư tưởng chính trị làm cơ sở tư tưởng chính trị không có nghĩa đảng đó không vận dụng những tư tưởng xác định ban đầu phát triển, “cập nhật” tư tưởng của đảng phù hợp với bối cảnh chính trị nhất định. Đảng Cộng sản Việt Nam “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động…” đã nhiều lần vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận đó trong các Cương lĩnh của mình.

Đáng tiếc trên một số mạng xã hội hiện nay có người đã phát tán quan điểm cho rằng, trên thế giới, học thuyết Mác - Lênin đã lỗi thời, “Việt Nam nên bỏ Mác-Lênin”. Có người “kiến nghị”: Đảng ta “chỉ nên nói Tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ”…

Vậy mối quan hệ giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin với Tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào?

Trước hết về mặt lịch sử, Chủ nghĩa Mác-Lênin đến với dân tộc ta qua Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đã được chính Người viết trong bài “Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin”. Người kể lại rằng: Sau khi đọc Luận cương của Lênin, Người đã tự nói với mình “Hỡi đồng bào bị đọa đầy, đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Còn nhớ vào ngày 15 tháng 7 năm 1969, nghĩa là chỉ gần 2 tháng trước khi qua đời, trong bài trả lời phỏng vấn đồng chí Sác-lơ Phuốc-ni-ơ, phóng viên Báo Nhân đạo (Pháp) về vai trò của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng… một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam… mà giành được thắng lợi to lớn… Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều yếu tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Như vậy là Chủ nghĩa Mác-Lênin đã gắn với thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời. Hơn nữa, đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong các Cương lĩnh của Đảng ta.

Thứ hai, về mặt tư tưởng chính trị, Chủ nghĩa Mác-Lênin với Tư tưởng Hồ Chí Minh là mối quan hệ biện chứng. Là một thiên tài trí tuệ, Hồ Chí Minh tin theo tư tưởng của Mác, Lênin nhưng Người không bao giờ sùng bái, xem lý luận Mác-Lênin như một thứ tôn giáo. Không phải ai khác, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần nói rằng cần phải “bổ sung cơ sở lịch sử” đối với Chủ nghĩa Mác.

Người viết: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của Chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”. Vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng ta đã lãnh đạo  nhân dân Việt Nam làm nên những thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng 8-1945, trong các cuộc kháng chiến đánh bại những đế quốc hung bạo nhất bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt là thành công trong thời kỳ đổi mới.

Cương lĩnh mới của Đảng ta là xây dựng đất nước theo mô hình mới của Chủ nghĩa xã hội (CNXH): Về chính trị đó là nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa (XHCN) với nhà nước pháp quyền; về kinh tế đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là những tư tưởng mới chưa từng có trong mô hình cũ của CNXH.

Nhân đây xin nhấn mạnh rằng, sự sụp đổ của Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu trong cải tổ (1989-1991) không phải là sự sụp đổ của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Sự sụp đổ chủ yếu do sai lầm từ mô hình xây dựng xã hội XHCN (đặc biệt là xóa bỏ kinh tế thị trường, thiếu cơ chế có hiệu quả chống suy thoái thể chế…).

Thứ ba, về tư tưởng đạo đức.

Nét đặc sắc trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là sự kế thừa đạo đức truyền thống dân tộc mà còn trực tiếp tiếp thu tư tưởng đạo đức từ Mác, Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng cho cách mạng, là “trung với nước, hiếu với dân”… Người còn nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”… “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin” được.

Như vậy có thể nói: Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất vững chắc, bao quát cả thế giới quan, phương pháp luận và tư tưởng chính trị thực tiễn. Cái gọi là những “kiến nghị” nói trên về khách quan không chỉ là sự cắt xén tư tưởng chính trị của Đảng mà còn xóa bỏ nội dung chủ yếu của Tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó tất nhiên, trước sau cũng sẽ đi đến xuyên tạc, bóp méo, phủ định chính Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là điều không bao giờ được nhân dân ta chấp nhận.

TS Cao Đức Thái
.
.
.