Phát triển bền vững trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau"

Thứ Bảy, 07/12/2019, 00:10
Chiều 6-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự Phiên họp Cấp cao của Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á- Thái Bình Dương.


Sự kiện do Thanh tra Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Phiên họp Cấp cao có chủ đề về định hướng công tác phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình hoan nghênh Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Sáng kiến đã lựa chọn Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững đã đặt ra 17 mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của các chuyên gia, châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực đang cho thấy những tiến triển còn chậm trong việc hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

"Vì vậy, chúng ta cần thúc đẩy sự phối hợp hành động giữa Nhà nước với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển cơ sở hạ tầng được đề cập cụ thể trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và đây là yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tới việc đạt được các mục tiêu còn lại" - Phó Thủ tướng Thường trực nhận định.

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, theo số liệu gần đây của Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), ước tính các quốc gia đang phát triển trong khu vực mỗi năm cần thêm khoảng 1,5 ngàn tỷ USD cho đầu tư, tương đương với 5% tổng GDP của các quốc gia này năm 2018. Riêng nhu cầu đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 900 tỷ USD.

"Thực trạng đó đòi hỏi chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể trong đảm bảo nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả. Cách tiếp cận này không chỉ hướng tới các giải pháp khuyến khích huy động các nguồn lực tư nhân trong xã hội, trong nước và ngoài nước, còn hướng tới việc sử dụng một cách có hiệu quả, đúng đắn, minh bạch và bền vững các nguồn lực công vốn đã rất hạn hẹp" - Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Đối với Việt Nam, phát triển cơ sở hạ tầng và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững luôn là hai yếu tố song hành, mang tính sống còn, then chốt, trung tâm trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua các giai đoạn phát triển.

"Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, Việt Nam coi đây là một trong ba đột phá chiến lược (bên cạnh hoàn thiện thể chế và đào tạo nguồn nhân lực), là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc đạt được mục tiêu phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" - Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Việt Nam khẳng định thời gian tới, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030 nhằm hoàn hiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khắc phục điểm nghẽn, để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Trước đó, Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á- Thái Bình Dương đã diễn ra các sự kiện chính: Cuộc họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh (BI); Cuộc họp Mạng lưới Liêm chính công (PIN) lần thứ 3; Cuộc họp Ban điều hành Sáng kiến lần thứ 23.

Sau Phiên họp Cấp cao, Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á- Thái Bình Dương chính thức bế mạc sau 4 ngày diễn ra nhiều hoạt động.

Xuân Tùng (TTXVN)
.
.
.