Phật giáo Trúc Lâm hội tụ và lan toả

Thứ Năm, 10/12/2015, 17:51
Ngày 10-12 tại Quảng Ninh, Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hoằng Pháp Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Phật giáo Trúc Lâm- Hội tụ và lan toả”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Lễ hội Hoằng pháp toàn quốc 2015 và tưởng niệm 707 năm ngày đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà văn hoá, học giả cùng tham luận về góc độ lịch sử, tư tưởng phật giáo và hoằng pháp của phật giáo Trúc Lâm.

Được biết, từ 2008 đến nay, tại Quảng Ninh đã liên tiếp tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học các cấp: năm 2008 hội thảo cấp quốc tế với chủ đề: “ Đức phật hoàng Trần Nhân Tông- Cuộc đời và sự nghiệp”; năm 2013 hội thảo cấp thành phố với chủ đề: “ Hưng nhượng đại vương Trần Quốc Tảng và di tích đền Cửa Ông”; cùng trong năm 2013 hội thảo: “ Phật giáo Trúc Lâm Yên tử và công tác quy hoạch, bảo tồn, phát huy những giá trị của khu di tích Yên Tử” đã được tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo Phật giáo Trúc Lâm hội tụ và lan toả.

Tại hội thảo lần này, các tham luận tập trung vào 2 chủ đề: Vai trò, vị trí của phật giáo Trúc Lâm thời Trần; cũng như thân thế, hành trạng, sự nghiệp của những nhân vật, những danh tăng, những di tích… thời Trần. Trong đó, còn có những vấn đề rất lớn mà chưa có được sự luận giải thấu đáo, còn tản mạn hoặc chưa thực sự thuyết phục từ các nhà khoa học. Như, đến thế kỷ XIII Phật giáo Việt Nam cơ bản đã hoàn tất quá trình nhất tông hoá, hội tụ về Yên Tử, nhưng từ góc nhìn lịch sử tư tưởng và lịch sử Phật giáo Việt Nam đâu là logic của quá trình vận động nội tại cũng như những tác động khách quan của quá trình phật giáo hội tụ về Yên Tử; mối quan hệ giữa nho giáo với những hệ tư tưởng khác như Nho giáo, Đạo giáo và thể chế chính trị.

Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng cũng cần nhận được sự quan tâm của các học giả về những đặc điểm, nội dung, phương pháp hoằng pháp của phật giáo Trúc Lâm. Các học giả đi tìm câu trả lời, đâu là cội nguồn tạo nên sự hấp dẫn, sức sống mãnh liệt vượt không gian và thời gian của phật giáo Trúc Lâm. Thông qua hoằng pháp chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì từ lịch sử góp phần xây dựng con người mới - nền văn hoá mới Việt Nam văn minh, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Dịp này dã diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng tử trận Bạch Đằng vào hồi 19h ngày 10-12; Pháp hội Dược sư cầu nguyện quốc thái dân an và Lễ chú tạo 108 pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hộ quốc an dân vào hồi 14h ngày 11-12 và Lễ hội truyền đăng Phật giáo Trúc Lâm vào hồi 19h ngày 11-12.

Lưu Hiệp
.
.
.