Phá rừng do có tiếp tay của cán bộ (!)

Thứ Bảy, 08/07/2017, 09:17
Đó là khẳng định của ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông. “Trong nguyên tắc xử lý cán bộ là không có vùng cấm. Cán bộ trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến phá rừng phải xử lý nghiêm. Hiện nay tỉnh đã thực hiện việc kỷ luật nhiều cán bộ công chức, những vụ việc liên quan đang điều tra và sẽ công khai khi có kết quả”, ông Lê Diễn thông tin.


Cán bộ tiếp tay phá rừng…

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có mặt tại huyện Đắk Glong - một trong những điểm “nóng” về nạn phá rừng. Từ trung tâm thị xã Gia Nghĩa vào xã Quảng Sơn, dọc theo QL28 là những vườn tiêu, cà phê thẳng tít tắp đến… đường chân trời, nhà ở cũng mọc lên san sát trên đất rừng. Tiếp giáp với QL, hàng nghìn trụ gỗ được người dân tập kết ven hai bên đường để chuẩn bị trồng tiêu. Nhìn vào cũng có thể hình dung ra được tình trạng phá rừng nơi đây đang diễn ra như thế nào.

Có mặt tại Tiểu khu 1685 (xã Quảng Sơn), nhiều vạt rừng bị chặt phá ngổn ngang, đốt cháy trơ trọi. Dấu vết tại hiện trường cho thấy, rừng đã bị tàn phá trong một thời gian dài bởi cánh “lâm tặc” cho máy vào san ủi hẳn một con đường để dễ dàng vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Theo tìm hiểu, diện tích rừng nơi đây đã được tỉnh Đắk Nông quy hoạch thành rừng phòng hộ, nhằm bảo đảm nguồn nước cung cấp cho đô thị Gia Nghĩa trong tương lai. Mọi hành vi can thiệp, làm thay đổi hiện trạng rừng chỉ được thực hiện khi cơ quan chức năng cấp phép.

Quy định là vậy, nhưng một cán bộ lại cho rằng, chính những người trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng cũng không biết đường vào khu vực này(?). Và vị cán bộ này biện minh rằng, do địa bàn hiểm trở, khu vực xảy ra vụ việc lại nằm khuất trong núi nên không hề hay biết. Một câu hỏi đặt ra là vì sao lực lượng chức năng “không phát hiện ra” nhưng rừng vẫn bị “lâm tặc” triệt hạ, lại đắp hẳn một con đường để dễ dàng vận chuyển gỗ ra khỏi rừng? 

Hơn 46ha rừng phòng hộ tại Tiểu khu 1685 thuộc địa bàn xã Quảng Sơn bị cạo trọc.

Ông Lê Quang Dần, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho hay, đây là vụ phá rừng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng với diện tích bị thiệt hại lên đến hơn 46ha. “Có thể nói, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn, chính quyền cấp xã chưa làm tròn trách nhiệm, chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng việc bao che, tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng của cán bộ bảo vệ rừng nơi đây”, ông Dần nhấn mạnh.

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết thêm, đơn vị vừa tiến hành kỷ luật hàng loạt cán bộ do liên quan việc để mất rừng nơi đây. Theo đó, Sở đã tiến hành cách chức ông Tôn Thất Hoàng (Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắk Glong) và ông Phạm Văn Anh (Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Quảng Sơn); cảnh cáo các ông Hà Việt Dũng (cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong), ông Hoàng Đình Thái và ông Y Huân (kiểm lâm địa bàn xã Quảng Sơn).

Ngoài ra, Sở cũng tiến hành kỷ luật khiển trách đối với ông Lê Văn Hà (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong) và 2 cán bộ kiểm lâm khác. “Ngoài việc kỷ luật theo quy định của ngành, đơn vị cũng đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Yên cho biết thêm.

Và đua nhau vi phạm

Theo tài liệu của Tỉnh ủy Đắk Nông, hiện toàn tỉnh có khoảng 254.955ha đất thuộc diện có rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm gần 220.000ha. Hiện rừng đang được giao cho các chủ rừng gồm: Các BQL rừng phòng hộ, đặc dụng; 14 công ty lâm nghiệp; 39 doanh nghiệp; các LLVT; cộng đồng dân cư và hộ gia đình... Chỉ trong vòng 3 năm từ 2013-2015, toàn tỉnh Đắk Nông đã giảm thêm trên 27.000ha rừng.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông chua chát thừa nhận, trong nhiều nguyên nhân khiến rừng bị mất một cách ồ ạt trong thời gian qua là có tình trạng cán bộ dính líu tiêu cực, thậm chí có cả người từng là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. “Ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh được xác định là có dính líu đến hàng chục hécta đất có nguồn gốc từ đất rừng tại xã Trường Xuân, huyện Đắk Song”, ông Diễn cho biết.

Cũng theo ông Lê Diễn, ngoài việc xử lý liên quan đến việc các cán bộ có dính líu đến tiêu cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng vừa yêu cầu chuyển hồ sơ của 5 công ty lâm nghiệp cho Cơ quan điều tra Công an Đắk Nông điều tra, yêu cầu khởi tố vụ án theo quy định.

Cụ thể là trong quá trình nhận đất rừng để làm dự án, các công ty này đã để mất hàng chục ngàn hécta rừng. “Hiện Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Xuân Bảo, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Đức và một thuộc cấp - ông Thái Thanh Tâm, nguyên Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng; ông Phạm Quốc Đính, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa. Các công ty này đã để mất 5.000-8.000ha đất rừng được giao”, ông Diễn dẫn chứng.

Theo thống kê của Công an tỉnh Đắk Nông, từ năm 2014-2017, tỉnh này đã có tổng cộng 34 cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật, khởi tố, nhiều giám đốc lâm trường, cán bộ xã, huyện phải tra tay vào còng vì liên quan đến phá rừng. Để chấn chỉnh tình trạng trên, đầu tháng 6-2017, Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông đã phải ban hành hẳn một nghị quyết và phân công 8 ủy viên Ban thường vụ để thiết lập lại kỷ cương.

Thu hồi hàng ngàn hécta rừng

Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, UBND tỉnh vừa có quyết định thu hồi gần 2.000ha đất lâm nghiệp của các dự án sản xuất nông - lâm nghiệp, quản lý bảo vệ rừng và công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Tuy Đức. Diện tích đất bị thu hồi là một phần diện tích được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho các doanh nghiệp thuê để thực hiện các dự án sản xuất nông - lâm nghiệp và quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, diện tích này đang bị người dân lấn chiếm canh tác và các doanh nghiệp không có khả năng xử lý nên tự nguyện trả về địa phương để bố trí sử dụng.

Đắk Nông hiện có 43 dự án sản xuất nông - lâm nghiệp và quản lý bảo vệ rừng, với diện tích đất được tỉnh giao, cho thuê khoảng 33.000ha. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả của các dự án chưa thực sự rõ ràng, nhiều diện tích rừng bị phá; tình trạng xâm lấn, xung đột do tranh chấp đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp gây mất an ninh trật tự.

Văn Thành
.
.
.