Cần quy trình đặc biệt trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm xâm hại trẻ em

Thứ Ba, 05/06/2018, 17:11
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị cần có quy trình điều tra, truy tố, xét xử đặc biệt tội phạm xâm hại trẻ em; đề nghị Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đứng ra làm trọng tài giữa các cơ quan để thống nhất các quy trình, hướng dẫn tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử thuận lợi.


Chiều 6-6, phần chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp tục “nóng” với vấn đề bảo vệ trẻ em, xử lí tội phạm xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.

Cần giải pháp mạnh mẽ hơn để chặn đứng xâm hại trẻ em

Mở đầu là đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp tranh luận "Số liệu Bộ trưởng đưa ra là 2.000 vụ bạo hành mỗi năm, nhưng riêng các cơ quan tư pháp báo cáo xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ rồi", bà Nga nói và đề nghị Bộ trưởng trả lời kỹ hơn, đưa ra giải pháp mạnh mẽ chặn đứng tình trạng này. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị Bộ trưởng Công an, Viện trưởng kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án TAND tối cao đưa ra giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em.

Cùng mạch ý kiến trên, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn lo ngại tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm, trầm trọng; 5 tháng đầu năm 2018 đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó 562 trẻ bị xâm hại. 

Về nguyên nhân, 6% liên quan đến hàng xóm, người quen; 21% liên quan đến người thân trong gia đình. "Giải pháp căn cơ, quyết liệt nào để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?", Đại biểu đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Nhìn nhận câu hỏi của đại biểu "rất sâu sắc",  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phân loại đối tượng để cơ quan quản lý có giải pháp kiểm soát vì hiện 59% xâm hại trẻ em là người thân, quen. Đây là diện cần quan tâm nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng này.

Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước hết cần tăng cường quản lý nhà nước; tập trung phổ biến pháp luật; tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong gia đình. Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ trong thực thi pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em; tập trung xử lý các vụ việc một cách nghiêm minh, kịp thời.

"Thời gian qua việc này còn tồn tại nhất định" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận và cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường biện pháp chống xâm hại trẻ em ngay trong tháng 6 này. 

Xây dựng kỹ năng cho trẻ em để phòng ngừa xâm hại

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Viện trưởng Kiểm soát nhân dân tối cao, Chánh án TAND tối cao tham gia giải trình thêm

Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao giải trình cho biết đây là vấn đề rất bức xúc. Trong 6 tháng đầu năm đã khởi tố 701 vụ, truy tố 753 vụ (cộng cả khởi tố từ trước) với 805 bị can.

Viện trưởng cho rằng để giải quyết thực trạng này cần phải thực hiện đồng bộ từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị. 

Trước mắt cần hoàn thiện hệ thống luật pháp để đảm bảo yêu cầu cuộc đấu tranh này không chỉ dừng lại ở quyết tâm mà phải bằng pháp luật, bằng sự phối hợp của các bộ, ban, ngành. Bên cạnh đó, cần xây dựng kỹ năng cho các em ý thức được về việc bị xâm hại. Khi phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh trước pháp luật các đối tượng để tạo ra sự răn đe, giáo dục chung.

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết thêm, tháng 12-2017, Bộ Công an, Viện KSNDTC và một số bộ, ngành đã phối hợp ban hành thông tư liên tịch về việc phối hợp trong xử lí các vụ xâm hại trẻ em; đang hoàn thiện dự thảo thông tư liên tịch xử lí đối tượng xâm hại trẻ em.

Tham gia giải trình, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, có 6,6% án liên quan đến xâm hại trẻ em bị tra hồ sơ, kháng nghị gây bức xúc trong xã hội. Đây là những vụ việc không khó khăn trong xét xử nhưng khó điều tra vì truy xét, gia đình nạn nhân ngại khai báo, không muốn hợp tác, không hợp tác giám định, không có nhân chứng... 

Về giải pháp, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, TAND Tối cao đã có nhiều hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng  giáo trình riêng để tập huấn xử lí xâm hại tình dục trẻ em; cùng với các cơ quan chức năng xây dựng thông tư; Nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi như tập huấn cho hơn 6 nghìn thẩm phán; thực hiện quy trình tố tụng thân thiện với bị hại là trẻ em; yêu cầu các toà địa phương hình thành toà chuyên trách về hôn nhân, gia đình và vị thành niên.

Những vụ việc xâm hại trẻ em, Bộ đều chủ động ý kiến

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng LĐTBXH, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc xâm hại tình dục trẻ em hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều câu chuyện buồn khi xảy ra rồi chúng ta mới tố cáo, điều tra. 

Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách vấn đề này chứ không riêng Bộ LĐTBXH nhưng gia đình có các em nhỏ bị xâm hại lại rất đơn độc. Mong Bộ có thái độ kiên quyết hơn nữa cùng các cơ quan khác vào cuộc. Riêng vụ việc cháu bé tại Thủ Đức bị xâm hại, yêu cầu các cơ quan chức năng sớm xem xét điều tra làm rõ vụ việc vì có nhiều tình tiết mờ ám.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian qua hệ thống pháp luật cơ bản đảm bảo quyền lợi của các em một cách đồng bộ, quy định rõ từng cơ quan quản lý phụ trách từng vấn đề và Bộ LĐTBXH là cơ quan Nhà nước quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua có một số vụ việc còn để kéo dài, xử lý chưa nghiêm, nhiều vụ việc khi có ý kiến các cấp lãnh đạo cấp cao mới tiến hành điều tra, đây là vấn đề nghiêm trọng. 

Bộ trưởng cho biết, hầu như những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng Bộ đều chủ động ý kiến. 

“Có những vụ việc cá nhân tôi chủ động trao đổi với các cấp lãnh đạo, như vụ ông nguyễn Khắc Thủy, sáng kết thúc phiên tòa, chiều tôi phải gọi điện trao đổi trực tiếp với cơ quan chức năng nói rõ quan điểm và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong vụ việc, không đồng tình và đề nghị 2 cơ quan xem xét xử lý nghiêm minh vụ việc. Hay như vụ anh Minh Béo, khi về nước vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật liên quan đến trẻ em, cá nhân tôi và Bộ cũng đã có những báo cáo, ý kiến gửi các cấp ngành”, Bộ trưởng nói và dẫn chứng.

Bộ trưởng Tô Lâm.

Cần quy trình đặc biệt trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ xâm hại trẻ em

Tham gia giải trình về công tác bảo vệ trẻ em, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 682 vụ xâm hại trẻ em với 759 đối tượng, 755 trẻ em bị xâm hại với các hành vi: giết trẻ em, cố ý gây thương tích, ngược đãi, xâm hại tình dục..., giảm  7,74% so với cùng kỳ năm 2017.  

Tuy nhiên, tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến rất phức tạp, không chỉ trẻ em gái mà cả trẻ em trai cũng bị xâm hại, không chỉ đối tượng người Việt Nam mà cả nước ngoài vào Việt Nam xâm hại, lợi dụng nuôi dưỡng trẻ em để xâm hại.

Nói về nguyên nhân, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc tố cáo trình báo chậm nên công tác điều tra, thu thập dấu vết, chứng cứ khó khăn, nhiều trường hợp không khắc phục được; đây cũng là việc tế nhị nên gia đình thường giấu kín, không cung cấp, không hợp tác, sợ ảnh hưởng đến tâm lí, sự phát triển của các cháu, hầu hết các vụ đều không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân nhỏ tuổi, hoảng loạn khai báo không chính xác; việc đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng nhiều khi chưa thống  nhất, thậm chí khác nhau.

Về quy định của pháp luật, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá luật pháp quy định rất chặt chẽ, Bộ luật Hình sự 1999 quy định 5 tội, BLHS 2015 quy định 6 tội liên quan đến xâm hại trẻ em.

Về phương hướng, góp phần ngăn chặn tình trạng này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng tổ chức các diễn đàn, CLB, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. 

“Đối với cơ quan điều tra, chúng tôi sẽ tiếp tục chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lí thông tin trình báo, tố giác tội phạm, mở rộng qua các kênh đường dây nóng, mail, tăng cường vận động nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm; tích cực phối hợp với VKS, Toà án nhanh chóng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm trước pháp luật”.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị cần có quy trình điều tra, truy tố, xét xử đặc biệt; đề nghị Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đứng ra làm trọng tài giữa các cơ quan để thống nhất các quy trình, hướng dẫn tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử thuận lợi

Phương Thuỷ
.
.
.