Non nước nghìn thu

Thứ Năm, 03/09/2015, 08:09
Quốc khánh, 21 loạt đại bác rền vang từ phía Hoàng thành Thăng Long như âm hưởng vọng lên từ lòng đất, từ lịch sử hùng tráng của dân tộc trải mấy nghìn năm, ghi chứng các triều đại vững chí bền gan giữ yên non sông gấm vóc.  Mấy hôm trước thôi, nhà đài dự báo khả năng có mưa to, rất to khiến bao người ái ngại, thế mà thoắt cái, trời đổi ý chiều lòng người…


Hà Nội hôm nay thanh nhẹ, trời cao xanh gợn những mây hồng, mây bạc, áng mây vừa làm dịu lòng người như lời ca Tháng Tám, lại như tái hiện cõi thiêng rồng bay của Thăng Long nghìn năm trước, ngày mà Lý Công Uẩn dời đô: “Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Hẳn là cái thiêng liêng của đất trời ứng với vận nước, lòng dân để tạo nên không gian hùng tráng đất và người hôm nay. 

“Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập” – lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào năm xưa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại trong bài diễn văn đọc tại Quảng trường Ba Đình.

70 năm trước, áng văn hào sảng của bản Tuyên ngôn bất hủ đó làm dậy sóng hàng vạn người có mặt tại quảng trường, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam, đất nước sang trang, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, trở thành người làm chủ đất nước. 70 năm, một chặng đường khá dài của lịch sử với bao biến cố thăng trầm, đa phần trong số biển người chứng kiến “Tuyên ngôn Độc lập” tại Quảng trường Ba Đình đã trở về bên kia thế giới. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người viết “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã đi xa gần nửa thế kỷ…

Lòng dân - sức mạnh vững bền để gìn giữ độc lập dân tộc.

Hôm nay, trong hàng ngũ chỉnh tề đứng trên từng ô cỏ quảng trường và những khối diễu binh, diễu hành uy nghiêm có màu áo của anh chị em công nhân, gương mặt rắn rỏi và nghị lực, những con người đảm đương sứ mệnh lịch sử dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng; có màu nâu sòng như màu đất, màu của sự cần cù, chịu khó và can trường mà người nông dân Việt Nam bao đời vẫn tự lực vươn lên, chân cứng đá mềm làm nên cách mạng; có những cựu binh từng đi qua hai cuộc chiến, dấu vết súng đạn, bi thương còn hằn tâm trí và cũng chính họ là người viết nên bản trường ca bất hủ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Và tiếp nữa, có màu xanh tươi trẻ hiển hiện từ những gương mặt ngời sáng của các em học sinh, sinh viên, những người đảm nhận sứ mệnh chủ nhân tương lai của đất nước; có sắc phục đa màu của các dân tộc Việt Nam, cùng nắm chặt tay bước qua lễ đài, biểu trưng cho tinh thần đại đoàn kết, nền tảng làm nên chiến thắng và giữ vững giang sơn gấm vóc. Đặc biệt, sự hùng dũng, oai phong và đầy sức mạnh của các khối lực lượng vũ trang, đó là các quân, binh chủ Bộ đội Cụ Hồ, các lực lượng nghiệp vụ Công an nhân dân, tự hào là lực lượng tiên phong, chủ lực trong kháng chiến năm xưa và sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, tự do cho Tổ quốc ngày nay…

Tất cả  biểu trưng cho sức mạnh toàn dân, những lớp người đã, đang và tiếp tục thực hiện lời thề thiêng liêng “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Quốc khánh, nghe và ngẫm nội dung sâu xa trong bài diễn văn của Chủ tịch nước, mỗi người vừa vinh dự, tự hào truyền thống hào hùng của dân tộc, vừa thấy rõ trách nhiệm để bảo vệ nền độc lập dân tộc và ráng sức cho công cuộc xây dựng đất nước. Nhìn sâu trong chiều dài lịch sử, bao lớp người Việt Nam đã ngã xuống cho Tổ quốc đứng lên, cho nền độc lập được vẹn toàn.

Cha ông xưa nhận thức sâu sắc rằng, đất nước mình không lớn về diện tích, không mạnh về kinh tế nhưng ý chí, sức mạnh về tinh thần dân tộc là vô cùng lớn lao. Khát vọng vì hòa bình, độc lập cũng được thể hiện ngay từ quốc hiệu: xưa kia, tên nước Vạn Xuân dù chỉ tồn tại trong một giai đoạn độc lập ngắn ngủi nhưng đã cho thấy khát vọng độc lập “vạn mùa xuân”. Hay như tên nước Đại Việt cũng khởi nguồn từ khát vọng xây dựng nước nhà được giàu mạnh, hùng cường. 

Cũng ở đất Thăng Long này gần tám trăm năm trước, khi quân Nguyên chạy khỏi Hoàng thành, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã chiêm nghiệm sâu xa: “Thái bình tu trí lực/Vạn cổ thử giang san”. Từ những vấn đề của một thời, bài thơ đã nói đến vấn đề của mọi thời trong dựng nước và giữ nước. Gần hai trăm năm sau, trong “Bình Ngô đại cáo”, một áng hùng văn được ví như bản tuyên ngôn độc lập được Nguyễn Trãi đúc kết: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có”. Bởi ý thức lịch sử như vậy mà chúng ta thấu rõ rằng, tinh thần dân tộc không phải tự nhiên có, không phải ai cho mà đó là giá trị được hun đúc từ nghìn đời, dẫu mỗi thời kỳ lịch sử có sự biến đổi khác nhau song ý thức giành, giữ độc lập là cội rễ thiêng liêng trong lòng dân nước Việt. Thời đại ngày nay, giá trị ấy được phát huy dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh lâu bền.

Hôm nay, trên những đoạn đường có các lực lượng diễu binh, diễu hành đi qua, tôi thấy nhan nhản những máy ảnh, máy quay phim, rồi la liệt camera từ điện thoại. Ai cũng cố tìm một khoảng không đáng quý để kịp ghi lại hình ảnh các quân, binh chủng hào hùng diễu qua mà chính mình là tác giả đoạn clip ấy. Thật là một thời đại công nghệ mà mỗi bước chân của các anh có hàng vạn bản ghi hình.

Chẳng như xưa, cuộc duyệt binh đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (diễn ra tháng 1/1955) hiện chỉ có một đoạn phim duy nhất do nhà làm phim người Nga Roman Karmen quay lại và lưu giữ, sau này, Đài Truyền hình Việt Nam đã mua bản quyền đoạn phim và giới thiệu tới khán giả. Nhà làm phim người Nga đã ghi lại hình ảnh đoàn quân oai hùng Quân đội nhân dân Việt Nam bước qua lễ đài. Đoàn quân tay bồng súng, mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ nan bọc lưới ngụy trang, chân bước đều răm rắp trong tiếng nhạc hùng hồn “Tiến về Hà Nội”. 

Xem lại những thước phim lịch sử ấy, rồi tự tay ghi lại khoảng khắc hôm nay, tôi ngẫm rằng, thời gian ngày ấy, bây giờ đã cách xa mấy mươi năm, những con người xưa và nay đã cách bao thế hệ, ấy thế mà chất hùng dũng, oai phong vẫn lẫm liệt như năm nào. Giờ đây, trên đường phố Hà Nội, những bước chân oai hùng của các chiến sĩ Quân đội, Công an vang lên cùng những lời ca bất hủ:

Vừng đông đã hửng sáng

Núi non xanh ngàn trùng xa

Tổ quốc bao la hiền hòa

Tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao

Muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca sóng lúa

Lấp lánh sao bay trên Quân kỳ…

Những người ngồi đây, đứng đây bên lề phố, chẳng ai bảo ai, đều đặt tay lên ngực hát Quốc ca khi bản nhạc qua loa phát thanh vang lên. Rồi sự ý tứ trong nhường nhịn nhau chỗ ngồi, điều mà ngày thường thật không phải lúc nào cũng bắt gặp. Quả như ý thơ của Vũ Đình Minh, rằng “người bốn phương nhìn nhau qua ánh mắt, một chỗ ngồi cũng nhường nhịn cho nhau”. 

Tôi nhận thấy những cụ ông, cụ bà, lại những cựu chiến binh lấp lánh huân, huy chương trên ngực áo, hẳn các cụ từng có mặt từ những ngày tổng khởi nghĩa, giờ quạt nan, quạt lá hào hứng dõi theo từng bước quân đi. Đoàn quân không mỏi ấy đang tái hiện lại những năm tháng hào hùng mà các cụ một thời hùng dũng đứng trong đoàn quân sục sôi khí thế cách mạng…

Giờ họ là những chàng trai trẻ, tuổi đôi mươi, họ sinh ra khi đất nước đã bước vào công cuộc đổi mới, họ chỉ biết chiến tranh vệ quốc năm xưa qua những trang sách sử và qua chính những cựu binh. Họ sinh ra, trưởng thành trong thời kỳ mà thế giới nhỏ lại trong lòng bàn tay bởi công nghệ số, trong xu thế của đối thoại và hòa bình.

Nhưng lắng sâu từ tiềm thức dân tộc, những chiến sĩ trẻ hiểu rằng, không thể chủ quan với những nguy cơ đe dọa nền độc lập dân tộc, chủ quyền của Tổ quốc và để đẩy lùi những nguy cơ ấy đang cần nhận thức và bản lĩnh, ý chí của mỗi bước chân hôm nay. Bởi thế, sau những bước chân hùng dũng ấy, tôi lại nhớ đến những trang viết của các thế hệ cha anh xưa, như Nguyễn Văn Thạc, như Đặng Thùy Trâm. Ngày ấy, Nguyễn Văn Thạc cũng tuổi hai mươi, tuổi hai mươi như các chàng trai, cô gái diễu binh hôm nay, cũng rời Hà Nội lên tàu nhập ngũ giữa tiếng nhạc hùng hồn.

Và đây, một đoạn nhật ký được Nguyễn Văn Thạc viết trong thời khắc ấy: “Mặt trời mọc rồi, các ô cửa của toa tàu xanh màu quân phục. Em nhỏ trên đồi đi học đấy ư, mà sao khăn quàng bay và bàn tay nhỏ cứ vẫy các anh. Ta  bỗng nhớ một đoạn thơ T.H (Tố Hữu):

Các em ơi, đã học chưa em

Các anh dựng cho em trường mới nữa

Chúng nó chẳng bao giờ dội lửa

Trường của em đứng giữa đồi quang

Tiếng các em thánh thót quanh làng… 

Ta đã đi qua vùng đồi trung du Bắc Thái, dấu vết của chiến tranh, của lụt lội còn hằn rõ ở đây. Ta đã nghĩ gì khi nhìn và lặng người bên hố bom thù đào sâu gần khu gang thép. Mẹ ơi, ở đây cho con hiểu chiều sâu của đất. Cuộc sống thanh bình chỉ cho ta giá trị chiều rộng, chiều dài của mảnh sân con thường đùa nghịch, của mảnh vườn tháng 10, mía đang ngọt dần lên ngọn, của ngôi nhà ấm cúng con ngồi viết bài thơ ca ngợi đất. Chưa biết rằng, đất có chiều sâu, mà hôm nay vết bom thù đã khơi dậy cho con…”.

Hà Nội lắng sâu, tôi nhận ra ở một góc khuất bên phố, khi đoàn diễu binh đi qua, có mẹ trầm ngâm nắm chiếc khăn sờn. Liệu rằng, con mẹ có người đã ra đi mãi mãi không về? Giá trị độc lập là sự đánh đổi máu xương vậy đó. Đất nước mình có bao người mẹ tiễn con đi và mãi mãi không về. Ai đó viết câu rất sâu thẳm, rằng bao  nhiêu nước mắt mẹ giấu vào vạt áo, để đường con đi không bị ướt bao giờ… 

Đất nước mình giờ đây đã đổi khác nhiều song cuộc sống của nhiều người vẫn còn lam lũ lắm. Nhưng vượt lên tất cả chính là ý chí, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia sắt son hai chữ “độc lập”. Hôm nay 70 năm, ngày mai 80 năm, rồi 100 năm Quốc khánh và sau nữa, những đứa trẻ hôm nay thì mai đây sẽ có mặt trong các đội quân anh dũng, có mặt trên các lĩnh vực đời sống xã hội và cùng lửa truyền thông điệp: 

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang đất nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời...

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Hà Nội, 2/9/2015

Đăng Trường
.
.
.