Thống đốc NHNN phân tích về nguyên nhân của nợ xấu

Thứ Tư, 07/06/2017, 14:02
Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu và các khoản có nguy cơ cao trở thành nợ xấu hiện nay chiếm 10,08% tổng dư nợ. Chính vì các khoản “có nguy cơ cao trở thành nợ xấu” này mà Chính phủ tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét, đồng ý việc Nghị quyết xử lý nợ xấu sẽ áp dụng với các khoản nợ sẽ phát sinh trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.


Trước ý kiến của nhiều đại biểu (ĐB) nhấn mạnh đến xác định rõ thực trạng, nguyên nhân nợ xấu và việc xử lý trách nhiệm của những tổ chức và cá nhân liên quan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Theo chỉ đạo của Chính phủ, vừa qua, trên cơ sở thực hiện Đề án Tái cơ cấu hệ thống tín dụng và Đề án Xử lý nợ xấu đã trình Chính phủ một bản đề án có đầy đủ thực trạng và kiến nghị rất nhiều giải pháp cụ thể, như: Tăng cường giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước; kiểm tra, kiểm soát nội bộ; trách nhiệm của các TCTD... đã được quy định. Thống đốc cũng khẳng định trong đề án đã báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền toàn bộ nợ xấu và nguyên nhân.

Cụ thể, ông Lê Minh Hưng tiết lộ: Vào tháng 9-2012, khi báo cáo Quốc hội thì “ước tính một cách thận trọng”, nợ xấu là 17,2% tổng dư nợ. “Chúng tôi cũng đánh giá là nếu xem xét toàn diện và thực chất qua thanh tra, con số có thể cao hơn” – ông Hưng cho biết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải trình trước Quốc hội sáng 7-6

Về cơ cấu nợ, các DN ngoài quốc doanh chiếm gần 64% nợ xấu; DNNN chiếm 6,3%; hộ kinh doanh và cá nhân chiếm trên 21%; các DN FDI 1,8%.

Ông Lê Minh Hưng cũng khẳng định Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ các báo cáo và sẵn sàng báo cáo chi tiết với các ĐBQH quan tâm.

Về nguyên nhân nợ xấu và trách nhiệm, Thống đốc nêu rõ 2 nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan là bất ổn chính trị, kinh tế, khủng hoảng tiền tệ trên thế giới tác động mạnh đến trong nước. Cùng với đó, nội tại nền kinh tế nước ta cũng có những khó khăn như: chất lượng tăng trưởng chưa cao, nợ công tăng nhanh, bất động sản có một giai đoạn trầm lắng... DN Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào vốn vay Ngân hàng, trong khi hiệu quả sản xuất còn thấp, nên có biến động trong ngoài đều tác động đến hoạt động, gián tiếp và trực tiếp gây ra nợ xấu.

Thống đốc dẫn số liệu từ Tổng cục thống kê cho biết: Từ năm 2011 đến 2015, bình quân mỗi năm có trên 63.000 DN giải thể và phá sản.

Giai đoạn vừa rồi, các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách vi mô còn thiếu ổn định, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh và trả nợ của khách hàng.

Cuối cùng là chính sách về xử lý tài sản còn bất cập, nên ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu, nhiều trường hợp khách hàng vay còn chây ì, trốn tránh trách nhiệm trả nợ

Thị trường vốn chưa phát triển tương xứng, nền kinh tế còn phụ thuộc vốn vào kênh ngân hàng nên rủi ro chính của hệ thống tài chính là rủi ro của hệ thống ngân hàng. Nền kinh tế lại phát triển  theo chiều rộng, tăng trưởng chủ yếu dựa vào rót vốn đầu tư, mà vốn lại chủ yếu là vốn đi vay...

Về chủ quan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận quy trình tín dụng của một số TCTD chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở cho cán bộ lợi dụng; tính tuân thủ quy chế chưa cao; chuẩn mực đạo đức của cán bộ ngân hàng chưa tốt, một số cán bộ thoái hóa biến chất đã lợi dụng kẻ hở câu kết với khách hàng để làm trái. 

Ông Lê Minh Hưng khẳng định “Không có quy định nào trong dự thảo Nghị quyết này tạo điều kiện để cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi từ việc xử lý nợ xấu. Nếu xảy ra vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật”.

Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết căn cứ ý kiến các ĐB, Chính phủ sẽ tiếp thu nhiều nội dung quan trọng để thể hiện trong dự thảo như: Bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Bổ sung nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi không tuân thủ quy định gây ra nợ xấu

Bổ sung phụ lục về xác định nợ xấu để minh bạch hơn, đồng thời, quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể sửa đổi phụ lục này cũng sẽ được bổ sung.

Về phạm vi nợ xấu được xử lý, ông Lê Minh Hưng kiến nghị áp dụng cả với những khoản nợ xấu sẽ phát sinh trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực, vì như đã nói ở trên, hiện nợ xấu là 5,8%, nhưng tính cả khoản “có nguy cơ cao trở thành nợ xấu” thì lên tới 10,08%. Nếu khoản này không được áp dụng cơ chế, sẽ khó khăn trong xử lý. 

Vũ Hân
.
.
.