Khơi thông những vướng mắc về pháp lý trong xử lý nợ xấu

Thứ Năm, 25/05/2017, 07:49
Chiều 23-5, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu - Từ góc độ chính sách và pháp luật”, với sự tham dự của lãnh đạo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và hơn 100 đại biểu Quốc hội, một số bộ, ban, ngành, ngân hàng thương mại, chuyên gia kinh tế, luật sư cùng tham dự.


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến thời điểm 1-2017, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu (nợ xấu được xử lý năm 2016: 118,49 nghìn tỷ đồng và tháng 1-2017 là 5,14 nghìn tỷ đồng), trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 349,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng số nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 43,3%).

Theo đó, nợ xấu đã được kiềm chế, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2-2017 về mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu của TCTD qua VAMC, luỹ kế từ năm 2013 đến 31-3-2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng. Trong tổng số nợ xấu được xử lý, thì hình thức bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức khá thấp 17,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý).

Trên thực tế, quá trình xử lý nợ xấu đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, đặc biệt quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu. Đại diện NHNN cho rằng, việc không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém có thể dẫn tới một số hệ lụy.

Chính phủ, NHNN sẽ không có đầy đủ thẩm quyền theo luật định để xử lý các TCTD yếu kém, gia tăng chi phí xử lý, không đủ cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp phục hồi, xử lý pháp nhân đối với TCTD yếu kém, do vậy, gia tăng rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Nếu các khó khăn, vướng mắc này không được tháo gỡ, sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Uỷ ban Kinh tế đã nhất trí về sự cần thiết sớm ban hành Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội để phục vụ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV và kỳ vọng được thông qua ngay trong kỳ họp này.

Lưu Hiệp
.
.
.