Những cuộc tiếp xúc, hội đàm và thông điệp của Việt Nam tại APEC 24

Chủ Nhật, 20/11/2016, 09:55

Ngày 19-11, ngày diễn ra các hoạt động trọng tâm của Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam đã có hàng loạt cuộc gặp gỡ, tiếp xúc  với các nhà lãnh đạo APEC.



- Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp, trao đổi, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc; Tổng thống các nước: Nga, Mỹ, Chilê, Mexico; Quốc vương Brunei, Thủ tướng: Singapore, Canada, Australia, New Zealand và Papua New Guinea.

- Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự cuộc họp cấp cao TPP lần thứ 7.

- Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.

Tổng thống nước chủ nhà Pedro Pablo Kuczynski chào đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Tại cuộc hội đàm cấp cao giữa Việt Nam - Trung Quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực; việc tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác sâu rộng, toàn diện giữa hai Đảng, hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước. 

Hai nhà lãnh đạo cũng cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, hai bên cần thường xuyên trao đổi chiến lược, giải quyết ổn thỏa bất đồng, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của nhân dân hai nước cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Hội nghị Trung ương 6 Khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức thành công vừa qua. Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn hai nước tiếp tục duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa các Bộ, ngành, địa phương, tăng cường giao lưu nhân dân. 

Chủ tịch nước đề nghị Trung Quốc phối hợp với Việt Nam có biện pháp bảo đảm quan hệ thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững, nâng cao chất lượng và hiệu quả các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam và tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực hợp tác.

Chia sẻ quan điểm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí cần tăng cường nền tảng chính trị cho quan hệ hai nước. Chủ tịch Trung Quốc mong muốn hai nước sử dụng tốt cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc để thúc đẩy hơn nữa hợp tác cùng có lợi giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa chúc mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bày tỏ vui mừng lần đầu tiên gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị mới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác trong mọi lĩnh vực với Việt Nam là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc.

* Tại cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Nga, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Vladimir Putin hài lòng trước những phát triển nhanh chóng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, mong muốn cùng phấn đấu tạo nền tảng vững chắc hơn nữa cho quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục đào tạo, quốc phòng - an ninh…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Putin . 

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị hai bên duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao ở tất cả các cấp, phối hợp chặt chẽ trong triển khai tốt Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu. 

Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan hữu quan của Nga tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu sang Nga hàng hóa tiêu dùng, các loại thủy, hải sản… và có biện pháp bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp cho người Việt Nam sinh sống và lao động tại Liên bang Nga.

Tổng thống Putin khẳng định Nga rất coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, mong muốn cùng Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật… 

Nhấn mạnh việc phê chuẩn và triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu là mốc son mới trong quan hệ giữa hai nước, Tổng thống Putin tin tưởng việc triển khai tốt Hiệp định sẽ mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

* Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Chilê Michelle Bachelet, hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Chilê Michelle Bachelet

Trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2016), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho quan hệ giữa hai nước. Chủ tịch nước mong muốn Chilê phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả trong Năm APEC Việt Nam 2017, đồng thời khẳng định Việt Nam ủng hộ Chilê đăng cai APEC năm 2019. 

Về phần mình, Tổng thống Michelle Bachelet khẳng định Chilê coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, ủng hộ và sẵn sàng phối hợp chặt chẽ để Năm APEC Việt Nam 2017 và APEC Chilê 2019 thành công tốt đẹp.

* Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’neill. 

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Papua New Guinea và các quốc đảo khác tại khu vực Nam Thái Bình Dương. 

Thủ tướng Papua New Guinea  đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà Việt Nam đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cũng như vai trò và vị thế ngày càng quan trọng trong ASEAN, ở khu vực và trên thế giới; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong năm APEC Việt Nam 2017 và APEC Papua New Guinea 2018. 

Hai bên nhất trí đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng thực chất, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, sớm đàm phán, tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, khai khoáng, ngư nghiệp… nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các lĩnh vực hợp tác cụ thể.

* Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc với Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto và Thủ tướng New Zealand John Key.

Vui mừng gặp lại Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn các nhà Lãnh đạo và nhân dân hai nước Brunei và Singapore đã dành cho Chủ tịch nước sự đón tiếp trọng thị, chân tình trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới hai quốc gia Đông Nam Á hồi tháng 8 vừa qua. 

Các nhà lãnh đạo Brunei và Singapore đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để triển khai các kết quả quan trọng của chuyến thăm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc Tổng thống Barack Obama.

Tại cuộc tiếp xúc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ cảm ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam về sự đón tiếp nồng hậu trong chuyến thăm Việt Nam tháng 5 năm 2016 vừa qua.

Tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đánh giá cao tầm quan trọng của hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước, Chủ tịch nước đề nghị Canada tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Canada, duy trì vị trí của Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có nhiều sinh viên nhất tại Canada. 

Về phần mình, Thủ tướng Canada mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam, đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực và  khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Thủ tướng Ca nada Justin Trudeau

Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, hai nhà Lãnh đạo tỏ hài lòng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2009 và ký Tuyên bố về tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện năm 2015. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao, đồng thời đề nghị Australia tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có thanh long.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto và Thủ tướng New Zealand John Key.

Trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi nói trên, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mời Nguyên thủ, lãnh đạo các nước đến Việt Nam dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng trong tháng 11 năm 2017. Lãnh đạo các nước đều khẳng định ủng hộ và phối hợp chặt chẽ để Việt Nam tổ chức thành công năm APEC 2017.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng New Zealand John Key.

* Chiều 19-11, tại Trung tâm Hội nghị thủ đô Lima, Peru đã diễn ra Lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo APEC tới tham dự Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn dưới sự chủ trì của Tổng thống Peru Perbdo Pablo Kuczynski. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự lễ đón và chụp ảnh lưu niệm với các nhà lãnh đạo APEC.

Sau lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự Đối thoại với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC). 

Các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp đã thảo luận về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và liên kết ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, chủ nghĩa bảo hộ và phong trào phản toàn cầu hoá có xu hướng gia tăng. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cùng Thủ tướng Malaysia Mohd Najib bin Abdul Razak, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Byong-joon và đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman đồng chủ trì đối thoại với các doanh nghiệp thành viên ABAC.

Tại đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh quyết tâm của các nền kinh tế APEC trong việc kiên trì tự do hoá thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kỷ nguyên số. 

Các doanh nghiệp APEC cũng cần chung sức cùng các chính phủ nỗ lực tìm kiếm các động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch nước nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và nâng cao năng suất lao động, ưu tiên chuyển giao khoa học - công nghệ và cải cách hành chính. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.

Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp APEC tiếp tục ủng hộ, đồng hành và đóng góp tích cực trong năm APEC Việt Nam 2017 vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng của cộng đồng doanh nghiệp APEC và khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Đối thoại không chính thức của các nhà lãnh đạo APEC với Liên minh Thái Bình Dương, gồm Peru, Mexico, Chile và Colombia.

* Chiều ngày 19-11, Cuộc họp Cấp cao lần thứ 7 các nhà lãnh đạo 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã diễn ra tại tại Lima, Peru dưới sự chủ trì của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Cuộc họp Cấp cao lần thứ 7 các nhà lãnh đạo 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự Cuộc họp. Đây là lần gặp gỡ đầu tiên của các nhà lãnh đạo TPP kể từ khi Hiệp định được ký kết vào ngày 4-2-2016 tại Ốc-len, Niu Di-lân.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Obama đánh giá cao nỗ lực của các nước thành viên thúc đẩy hoàn tất thủ tục trong nước để có thể sớm phê chuẩn và thực thi một Hiệp định TPP toàn diện, cân bằng và tiêu chuẩn cao, phù hợp với xu thế chung. 

Tổng thống Obama bày tỏ tin tưởng việc sớm đưa TPP đi vào thực thi sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân.
Trong các phát biểu tiếp đó, các nhà lãnh đạo chia sẻ quyết tâm chung và nhu cầu tăng cường hợp tác để thúc đẩy việc thực thi Hiệp định TPP, coi đây là một kênh quan trọng góp phần làm sâu rộng hơn nữa liên kết khu vực và hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Phát biểu tại Cuộc họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu bật quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực triển khai hội nhập quốc tế để thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có TPP. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu bị suy giảm và chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, việc sớm đưa Hiệp định TPP đi vào thực thi là rất cần thiết. 

Chủ tịch nước đề nghị các thành viên cần tăng cường hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển để cùng chia sẻ những lợi ích mà TPP mang lại. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, việc triển khai Hiệp định TPP sẽ góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng giữa 12 nước thành viên và ở châu Á - Thái Bình Dương.

* Vào hồi 17 giờ ngày 19-11 (giờ địa phương; khoảng 5 giờ sáng ngày 20-11, giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC diễn ra tại Nhà hát lớn quốc gia ở Thủ đô Lima, Peru. 

Đây là sự kiện quan trọng nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương và được tổ chức thường niên trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC với sự tham dự của khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn hàng đầu khu vực.  

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng những thành công nổi bật và đóng góp quan trọng của Cộng đồng doanh nghiệp APEC trong chặng đường vừa qua và cho rằng các doanh nghiệp chính là những người đi đầu trong việc đề xuất và hiện thực hóa nhiều ý tưởng về tăng trưởng, hợp tác và liên kết của Diễn đàn APEC cũng như toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự hội nghị Liên minh châu Á Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước nêu rõ, năm nay là năm thứ năm liên tiếp tăng trưởng toàn cầu ở dưới mức trung bình 3%, thương mại toàn cầu cũng ở mức thấp nhất trong 15 năm qua và tăng trưởng chung của APEC có nguy cơ chậm lại so với thế giới. 

Cùng với đó, biến đổi khí hậu, khủng bố quốc tế, dịch bệnh, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, vấn đề di cư… đang đặt ra nhiều thách thức chưa từng có đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. 

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với cam kết toàn cầu triển khai Chương trình nghị sự về phát triển bền vững và Thỏa thuận về biến đổi khí hậu đang tạo động lực mới để tăng trưởng chất lượng và bao trùm. Những liên kết kinh tế sâu rộng mang tính bước ngoặt, nổi bật là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Cộng đồng ASEAN… cũng hứa hẹn mang lại không gian phát triển rộng lớn.

Chủ tịch nước chia sẻ, trong thế giới toàn cầu hóa đầy biến động, hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò khởi xướng ý tưởng, động lực của sáng tạo, tăng trưởng và liên kết kinh tế. Trọng tâm của những năm tới là cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức sáng tạo của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa... 

Các nền kinh tế thành viên cần kiến tạo một APEC vì người dân, vì doanh nghiệp, góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Toàn cảnh hội nghị Cấp cao lần thứ 7 các nhà lãnh đạo 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chủ tịch nước khẳng định, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước kém phát triển đã vươn lên trở thành một nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình. Việt Nam hiện là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất và dự báo đến năm 2020 sẽ nằm trong số 5 quốc gia đứng đầu châu Á - Thái Bình Dương về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo. 

Đồng thời, Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi kinh tế với mục tiêu là đến năm 2020 đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân từ 6,5% đến 7%, quyết tâm thực hiện ba đột phá lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. 

Cùng với đó là đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, nhất là các ngành công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, các ngành công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển và ngành du lịch.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh nỗ lực xây dựng Nhà nước kiến tạo, minh bạch, hiệu quả, vì người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể; khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm thực thi, đề cao thượng tôn pháp luật, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Là nền kinh tế năng động có độ mở lớn và là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam ngày càng gắn kết sâu rộng với hai bờ Thái Bình Dương thông qua các quan hệ đối tác, Cộng đồng ASEAN và mạng lưới 16 FTA với 59 đối tác, trong đó có 18 nền kinh tế thành viên APEC. 

Hợp tác hiệu quả của các doanh nghiệp APEC tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tại các nền kinh tế APEC là minh chứng sinh động của sự gắn kết này. Có thể kể đến thành công của tập đoàn Viettel, doanh nghiệp viễn thông hàng đầu của Việt Nam, tại Peru.

Đánh giá cao sự ủng hộ và đồng hành của Cộng đồng doanh nghiệp APEC trong suốt chặng đường 30 năm đổi mới và gần 20 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang giới thiệu chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và đề nghị các doanh nghiệp cùng làm nên một Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mới, đề xuất sáng kiến, ý tưởng thiết thực. 

Nhà nước và nhân dân Việt Nam mong chào đón các doanh nghiệp APEC đến Việt Nam tham dự các hoạt động của năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC và Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC tại thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp và năng động vào tháng 11 năm tới. Những cơ hội mới và tiềm năng hợp tác to lớn đang chờ đón tất cả các doanh nghiệp.

Chiều cùng ngày, Chủ  tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC và Đối thoại cấp cao không chính thức với Liên minh Thái Bình Dương diễn ra tại Trung tâm hội nghị Lima.

Phạm Khải (từ Lima - Peru)
.
.
.