Có một sự gắn kết như là "thiên định"

Thứ Năm, 17/11/2016, 09:52
Cuba đã đón tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bằng sự nồng ấm, đậm tình anh em, điều mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói một cách hình ảnh là tới Cuba ông "cảm giác như đang trở về nhà mình"...


Nhìn vào tấm bản đồ Mỹ châu, nhiều người thường hay ví đất nước Cuba như thể con cá sấu nằm vắt mình trên vùng biển Caribe. Tôi thì lại hình dung quốc gia này theo như những câu thơ mà thi hào Cuba Nicolas Guillen đã viết từ nhiều chục năm trước “Trên bản đồ Cuba lắc lư/ Con thằn lằn dài xanh/ Đôi mắt ướt long lanh”. 

Vâng, là con thằn lằn xanh với đôi mắt thân thiện nhìn ra vùng đại dương xanh ngằn ngặt. Nhưng khác với một số giống thằn lằn hiện đang tồn tại ở cùng châu lục - chúng rất dễ “đổi màu” để thích nghi với “thời tiết chính trị” - con “thằn lằn” mà tôi đang nói tới đây vẫn kiên cường giữ vững bản chất cách mạng của mình dù có thể vì sự kiên định ấy mà ở mặt này mặt khác phải nhận về mình phần bất công, thua thiệt.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu tới thăm Cuba đúng vào lúc quốc đảo này diễn ra cuộc tập trận quy mô lớn với tên gọi “Tập trận chiến lược Bastion” (kéo dài từ ngày 15 đến 19-11). Mặc dù đây không phải lần đầu tiên Cuba tổ chức cuộc tập trận quy mô như vậy, song theo cách phân tích của báo chí phương Tây thì có sự “liên hệ” giữa chương trình tập trận của Cuba với việc ông Donand Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặt vòng hoa trước tượng đài Jose Marti trên Quảng trường Cách mạng (Havana, chiều 16-11-2016).

Kể, nếu sự thật có đúng vậy thì thiết nghĩ cũng là điều dễ hiểu. Nhiều ngày qua, báo chí chẳng đã giật những cái tít nóng bỏng “Thế giới nín thở chờ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ” đó sao? Đến như các nước thân cận với Mỹ trước đây mà khi hay tin ông Donand Trump trở thành ông chủ của Nhà Trắng nhiệm kỳ tới cũng đã phải họp khẩn nội các để ra các phương sách đối ứng cho “phù hợp” với tình hình, huống hồ một nước như Cuba, nằm sát bên sườn nước Mỹ, từng không dưới một lần bị ông Trump lên tiếng đe, rằng nếu đắc cử, ông sẽ “đảo lộn tất cả” những gì mà đương kim Tổng thống Barack Obama đã làm để cải thiện và bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba, ngoại trừ trường hợp Chủ tịch Cuba Raul Castro chấp nhận “nới lỏng thêm các vấn đề về tự do chính trị”.

Trong bối cảnh ấy, Cuba đã đón tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bằng sự nồng ấm, đậm tình anh em, điều mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói một cách hình ảnh là tới Cuba ông "cảm giác như đang trở về nhà mình".

Chúng ta đều biết, trong những năm gần đây, do điều kiện sức khoẻ, lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro rất hạn chế đi lại và  tham gia các cuộc tiếp xúc. Nhiều nhà lãnh đạo, nhân vật nổi tiếng các nước khi đến Cuba thường muốn được gặp Fidel, một "tượng đài", "huyền thoại cách mạng" của khu vực Mỹ La tinh, song việc này gần như là  "bất khả thi". 

Với Việt Nam thì khác. Dường như Fidel luôn dành cho chúng ta một sự biệt lệ. Cách đây mấy năm, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Cuba, đồng chí đã được Fidel tiếp tại nhà riêng. Và thoạt đầu, Fidel cho biết ông chỉ đồng ý tiếp đồng chí Nguyễn Phú Trọng với phương thức 1-1, nghĩa là ngoài cán bộ phiên dịch thì chỉ có ông và đồng chí Nguyễn Phú Trọng. 

Sau rồi, chiều theo nguyện vọng của đoàn Việt Nam, Fidel đồng ý buổi gặp có thêm đồng chí Trưởng ban Đối ngoại của Đảng ta và đồng chí Đại sứ Việt Nam tại Cuba. Chính vì tình cảm của Fidel, của Cuba đối với Việt Nam đặc biệt như vậy nên trong bản lịch trình phát cho các thành viên tháp tùng chuyến thăm Cuba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang kỳ này, mặc dù cánh báo chí chúng tôi không đọc thấy bất kỳ dòng chữ nào cho biết sẽ có cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro, nhưng ai nấy đều thầm hy vọng điều kỳ diệu sẽ lại diễn ra như những lần trước. 

Và rồi, tất cả như vỡ oà khi nghe Phó vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, vào hồi ba giờ chiều (giờ Cuba) ngày 15-11 (tầm 3 giờ sáng ngày 16-11 ở Việt Nam), nhỏ nhẹ thông báo hiện Chủ tịch nước Trần Đại Quang đang có cuộc diện kiến đồng chí Fidel. Ngoài Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân còn có một số đồng chí thành viên trong đoàn.

Bên cạnh niềm vui, chúng tôi không giấu được sự tò mò. Không biết sức khoẻ Fidel hiện thời thế nào. Nghe nói, tại Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VII diễn ra cách đây 7 tháng, Fidel có đến dự và phát biểu. Và nhiều đại biểu đã nghẹn ngào khi nhận thấy âm sắc trong giọng nói của vị lãnh tụ mà họ yêu kính không còn được như trước. Dẫu gì thì năm nay Fidel cũng vào tuổi 90 rồi...

Trong buổi đến thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Cuba ít giờ sau cuộc hội kiến với Fidel, Chủ tịch nước Trần Đại Quang vui mừng thông báo, mặc dù tuổi cao song đồng chí Fidel còn rất minh mẫn. Fidel đánh giá rất cao và đặc biệt quan tâm tới vấn đề phát triển kinh tế ở Việt Nam. "Ngoài trao đổi về mối quan hệ giữa hai nước, đồng chí Fidel hỏi rất kỹ về vấn đề kinh tế. Đồng chí Hoàng Trung Hải (Bí thư Thành uỷ Hà Nội-PV) đi với tôi đã giúp tôi cùng trả lời các câu hỏi này" - Chủ tịch nước cho biết.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân chụp ảnh kỷ niệm với thầy trò Trường Tiểu học mang tên người anh hùng Việt Nam Nguyễn Văn Trỗi ở Thủ đô Havana (chiều 16-11-2016).

Vào hồi 19 giờ ngày 16-11 (tầm 7 giờ sáng ngày 17-11 theo giờ Việt Nam), tại Cung Cách mạng, sau Lễ đón chính thức và hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang; chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước; thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba, đồng chí Raul Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba đã trân trọng trao tặng Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang Huân chương Jose Marti. Nhân đây, cũng cần giới thiệu thêm một chút về người mà quý danh được dùng để đặt cho nhiều công trình lớn tại Cuba cũng như cho tấm Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Cuba hiện nay.

Hiện tại, khi nói tới tình hữu nghị Việt Nam - Cuba; người dân Việt Nam cũng như người dân Cuba thường đánh giá đó là mối quan hệ hữu nghị thủy chung, trong sáng, mẫu mực, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro đặt nền móng và dày công vun đắp. Điều này là chính xác. Nhưng cách đây vài ba chục năm, ở Cuba, khi nói tới việc này, người ta lại thường nhắc tới tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kèm với tên của nhà cách mạng Jose Marti (1853-1895). 

Điều này cũng vẫn đúng. Giữa Hồ Chí Minh và Jose Marti có nhiều điểm tương đồng. Nếu như Hồ Chí Minh là người đầu tiên có công truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam thì Jose Marti chính là người đầu tiên có công truyền bá chủ nghĩa Mác vào Cuba. Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại một địa điểm ở nước ngoài (Hương Cảng - Trung Quốc) thì Jose Marti thành lập Đảng Cách mạng Cuba cũng trong trường hợp như vậy (trên đất Mỹ). 

Cả Hồ Chí Minh và Jose Marti, ngoài vai trò là những nhà tư tưởng, bậc thầy của phong trào cách mạng thì đều là nhà thơ. Nếu như ngày sinh nhật của Hồ Chí Minh là 19-5 thì đó lại là ngày mất của Jose Marti (nhà cách mạng này đã hy sinh trong một trận huyết chiến với quân đội Tây Ban Nha vào ngày 19 tháng 5 năm 1895 ở Oriento). 

Và, đây mới là điều cơ bản: Jose Marti chính là người Cuba đầu tiên “phát hiện ra Việt Nam” (nhận xét của Fidel Castro). Năm 1989, nhân một lần đến xem triển lãm về thuộc địa do thực dân Pháp tổ chức, ông đã có bài viết “Cuộc dạo chơi trên đất nước của người An Nam”, nội dung ca ngợi cuộc chiến đấu chống giặc phương Bắc của hai bà Trưng. Đây là điều khiến cho người dân Cuba càng thêm động lực trong việc ủng hộ cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc của ta trước đây cũng như quyết tâm duy trì mối quan hệ thủy chung, bền chặt với Việt Nam cho tới hôm nay.

Trước khi diễn ra Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Cung Cách mạng, vào hồi 14 giờ 45 phút cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân và Đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam đã tới thăm và tặng quà Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. 

Ở Cuba, hiện tại có 3 trường mang tên các danh nhân người Việt. Ngoài trường mang tên Bác Hồ - vị lãnh tụ mà cả dân tộc Cuba tôn kính còn có trường mang tên Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và nữ đồng chí Võ Thị Thắng. Điều này cho thấy, người dân Cuba rất “lãng mạn cách mạng”. Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và nữ đồng chí Võ Thị Thắng, ngoài thành tích chiến đấu đều là những nhân vật xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa. 

Đặc biệt, bức ảnh anh Trỗi hiên ngang trên pháp trường và bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” của chị Võ Thị Thắng đã làm rung động trái tim của hàng triệu người dân Cuba những năm đánh Mỹ. Đây là điều khiến tên tuổi họ vượt qua nhiều tên tuổi khác - mặc dù có những chiến công rất lừng lẫy - để trở thành biểu tượng đẹp của cách mạng và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba.

Điều bất ngờ đối với chúng tôi - những người lần đầu tiên đặt chân tới đất nước Cuba là tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi bắt gặp một bức tượng nhỏ đặt giữa sân trường, song đó không phải là tượng Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi mà là tượng nhà cách mạng Jose Marti, còn tượng anh Trỗi thì được đặt tại một vườn hoa bên ngoài, cách cổng trường khoảng dăm chục mét. 

Có lẽ, phía bạn muốn hình ảnh Cuba - Việt Nam cứ mãi quấn quýt bên nhau như vậy chăng? Tương tự ở Hà Nội, giữa vườn hoa Tao Đàn (điểm giao nối các phố Lê Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Phan Huy Chú), vườn hoa mang tên một vị vua và cũng là một nhà thơ của Việt Nam lại là bức tượng nhà cách mạng Cuba Jose Marti.

          

Phạm Khải (từ Havana)
.
.
.