Đại biểu Quốc hội: Formosa khác gì "quả bom" môi trường!

Thứ Sáu, 29/07/2016, 21:35
“Đúng là nhân dân cần tôm cá và cũng cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm không – một “quả bom” môi trường nằm sát kề, ai cũng lo lắng?”, Đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật (Quảng Bình) nhấn mạnh, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, sáng nay, 29-7.

 

Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận về tình hình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016. Vấn đề Formosa tiếp tục làm nóng nghị trường.

Nhân dân lo lắng về đời sống

Đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho rằng, sự cố biển bị nhiễm độc do Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa gây ra đã ảnh hưởng xấu, tác động lớn đến đời sống nhân dân, đến tình hình an ninh trật tự, đến lòng tin của người dân. Trong 4 tháng qua, kinh tế Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên, bà con Quảng Bình rất bức xúc, phẫn nộ, lên án hành động của Formosa.

Đại biểu Trần Công Thuật thảo luận tại hội trường, sáng 29-7.

Theo ông, nhân dân và cử tri Quảng Bình đề nghị sớm thực hiện các quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhân dân vùng chịu thiệt hại bởi hiện nay một số chính sách chưa đến được với địa phương và người dân. Nhanh chóng giải quyết những khó khăn của người dân về việc làm, thu nhập, những giải pháp căn cơ lâu dài cho nhân dân yên tâm.

“Quảng Bình cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung ương, Chính phủ vì tác động của sự cố này là toàn diện, nghiêm trọng, khó khắc phục và ảnh hưởng lâu dài, nhiều mặt vượt quá khả năng giải quyết của tỉnh. Công khai minh bạch cái gì của dân được đền bù, cái gì dân được hưởng do Nhà nước hỗ trợ, cái gì là Nhà nước đầu tư để giảm sự cố vừa qua?”, đại biểu Trần Công Thuật nói.

Lượng khách du lịch Quảng Trị không bằng 1/10 so với năm 2015

Đại diện cho cử tri tỉnh Quảng Trị, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cũng nhất trí với ý kiến nêu trên. Ông cho rằng, hiện nay người dân hàng ngày hàng giờ sống cùng lo âu khắc khoải. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân 4 tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các sản phẩm đánh bắt, hải sản ven bờ lẫn xa bờ đều khó tiêu thụ; các hộ thu mua và kinh doanh thuỷ hải sản đều đóng cửa…

Đại biểu Hà Sỹ Đồng

“Còn gì buồn hơn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển mà phải tìm những việc khác để mưu sinh, kiếm sống. Hoạt động của các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành… cũng ngưng trệ, gây thiệt hại lớn về kinh tế, lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm không còn bằng 1/10 so với cùng kỳ 2015”, đại biểu nói.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để có giải pháp hỗ trợ đền bù thoải đáng, công bằng; chỉ đạo rà soát chặt chẽ các hoạt động của Formosa để làm đảm bảo việc sản xuất của công này không gây hậu quả về môi trường tương tự trong tương lai; đồng thời có giải pháp khôi phục lại hệ sinh thái ven bờ, trả lại môi trường biển và ngư trường cho ngư dân…

“Việc quan trọng mà Quốc hội cần làm không chỉ tìm ra câu trả lời về trách nhiệm liên quan đến sai phạm của Formosa mà còn phải nhanh chóng rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe doạ đến đời sống của nhân dân; có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người đã không còn đương chức…”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị.

Quỳnh Vinh
.
.
.