Ngôi nhà chung ấm tình đồng đội của những cựu binh Vị Xuyên

Thứ Sáu, 24/06/2016, 22:40
“Chúng tôi là những người may mắn sống sót trong cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc sẽ luôn làm tất cả những gì có thể để linh hồn đồng đội được yên nghỉ. Mỗi người lính góp công, góp sức xây dựng được ngôi nhà mới khang trang ở điểm cao 468 - cho những người đồng đội đã hi sinh trên các sườn đồi, hốc đá mà chưa tìm được để đưa về nghĩa trang Vị Xuyên...".


Tháng 6, trời nắng như đổ lửa với những cung đường dốc thẳng đứng, chúng tôi đến với cao điểm 468 mặt trận Vị Xuyên ở thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, Hà Giang. Từ trên cao phóng tầm mắt ra xa, những cánh rừng đã hồi sinh, sức sống đã trở lại với vùng đất một thời khói lửa, khốc liệt. 

Tại đây, chúng tôi thấy những những giọt mồ hôi, nước mắt và nụ cười mãn nguyện của những cựu chiến binh (CCB) một thời tham gia chiến đấu trên mặt Vị Xuyên, khi thấy công trình Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên năm 1979- 1989 được hoàn thành.

Đại tá Nguyễn Lư- Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 Sao Vàng đang kể về những khoảnh khắc trên mặt trận Vị Xuyên.

Đứng tại cao điểm 468, Đại tá Nguyễn Lư, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 Sao Vàng chỉ tay về những cao điểm mà quân và dân đã chiến đấu giữ từng tấc đất trên mặt trận Vị Xuyên, từ cao điểm 468 nhìn đối diện sang là cao điểm 685, bên phải phía trước 685 là cao điểm 772. Tiếp đó là cao điểm 1100. Điểm cao nhất là cao điểm 1509, giờ là điểm phân giới mốc biên giới Việt – Trung. 

Xúc động kể về những trận đánh giữa quân và dân ta chiến đấu ngày đêm giữ từng tấc đất, từng hình ảnh về những trận đánh mà quân và dân ta đã chiến đấu như những thước phim quay chậm qua những ký ức của vị lính già hơn 30 năm trước. 

Chỉ tay về quả núi đối diện 486, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 Sao Vàng Nguyễn Lư xúc động nói: ‘Kia là “lò vôi thế kỷ”. Ngày ấy, trên điểm cao 685, hai bên giằng co nhau từng tấc đất một, địa hình núi cao, dốc đứng, đá tai mèo lởm chởm, đạn pháo của ta và địch thi nhau cày xới suốt ngày đêm... 

Thời điểm ấy, những lúc ngưng tiếng pháo, cả một vùng rộng lớn ở điểm cao này chỉ thấy một màu trắng xóa, không một cây cối nào có thể sống sót. Núi đá xanh thẳm giữa trời xanh chín thành vôi. Do vậy, các CCB Vị Xuyên gọi đây là “lò vôi thế kỷ”. 

Khốc liệt vô cùng, không biết bao chiến sĩ, đồng đội đã ngã xuống để giữ từng tấc đất trên mặt trận này. Ngày hôm nay, quá khứ đã lùi xa, nhiều liệt sỹ đã được quy tụ nhưng có những liệt sĩ vẫn còn ở lại với núi rừng xanh thẳm. Việc xây dựng được một ngôi nhà chung cho các liệt sỹ trên mặt trận Vị Xuyên là việc làm ý nghĩa tri ân những người đã ngã xuống, anh em có một nơi để đi về.”

Một góc trận địa Vị Xuyên ngày ấy.

Vị Sư trưởng năm nay đã ngoài 80 tuổi, người nhỏ nhắn nhưng giọng nói của ông vẫn còn hảo sảng, tác phong nhanh nhẹn, ông đi lại như con thoi trong việc chuẩn bị các nghi lễ và nhập trạch cho nhà tưởng niệm. 

“Vui quá, các liệt sĩ giờ đã có nhà rồi, giữa rừng xanh, núi thẳm đồng đội đón các anh về ngôi nhà chung ấm tình đồng đội, không ngôn ngữ nào có thể diễn đạt được niềm vui của chúng tôi. Những người lính, ai cũng trân trọng những giây phút này”, ông Nguyễn Lư xúc động nói.

Trong không khí hân hoan, phấn khởi những nụ cười và những giọt nước mắt trên từng gương mặt các CCB ở mặt trận Vị Xuyên, họ trở về đây thăm lại chiến trường xưa, cùng nhau hồi tưởng lại khoảng thời gian cùng chiến đấu, khắc khoải khi nói về những đồng đội đã hy sinh. 

CCB Đỗ Ngọc Lý ở Hà Nội cho biết, sau 31 năm giờ mới trở lại chiến trường Vị Xuyên, mọi thứ giờ cũng đổi thay nhưng các trận địa dấu tích vẫn còn đó, với anh “lò vôi thế kỷ” là một trong những điểm đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người lính ở lại. 

Điểm cao 468 trước anh đóng quân ở đây, giờ là nơi đặt nhà tưởng niệm, đây là một niềm vui lớn đối với anh và những CCB trên mặt trận Vị Xuyên. Trở về đây thấy các anh có nhà mới, ai cũng phấn khởi. Đứng bên cạnh đó, CCB Nguyễn Đình Tiền ở Thuận Thành, Bắc Ninh cũng cho biết, trở về chiến trường xưa gần đến ngày giỗ trận (12-7), chứng kiến công trình Nhà tưởng niệm hoàn thành, hơn 200 CCB từ Bắc Ninh, Bắc Giang về đây ai cũng phấn khởi.

Điểm cao 685 còn được các CCB gọi là " Lò vôi thế kỷ"

CCB Phạm Ngọc Quyền ở Hà Nội cũng có mặt trong ngày vui hôm nay, anh đã khóc khi khấn vái về phía trước và gọi tên những đồng đội của anh còn ở lại nơi rừng xanh, núi thẳm trở về nhà mới. 

Là một trong những người sống sót sau trận đánh D1- 772, anh đồng thời cũng là người mang bình đất thiêng Vị Xuyên dâng lên bàn thờ bác Giáp. CCB Phạm Ngọc Quyền cho biết, từ khi có ý tưởng tới lúc khởi công công trình anh cùng đồng đội, các CCB ở mặt trận Vị Xuyên đã góp sức, góp công đi vận động, quyên góp để xây dựng nhà tưởng niệm. 

Đặc biệt, người góp công lớn nhất trong việc hoàn thành công trình này là CCB Nguyễn Công Chiến - Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng, quê ở thôn Trùng Quán, xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) đã ủng hộ xây dựng Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng. Và niềm vui như vỡ oà với anh khi công trình hoàn thành và sự góp mặt của đồng đội khắp các vùng miền khi biết tin trở về đây để thắp một nén hương thơm tri ân với các liệt sĩ.

Lễ Nhập trạch nhà tưởng niệm và cầu siêu cho các liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên

Chia sẻ với chúng tôi, CCB Nguyễn Công Chiến cho biết: “Chúng tôi là những người may mắn sống sót trong cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc, sẽ luôn làm tất cả những gì có thể để linh hồn đồng đội được yên nghỉ. 

Từ tận tâm mỗi người lính góp công, góp sức xây dựng được ngôi nhà mới khang trang ở điểm cao 468. Ngôi nhà mới cho những người đồng đội đã hi sinh trên các sườn đồi, hốc đá mà chưa tìm được để đưa về nghĩa trang Vị Xuyên. 

Ngôi nhà là chốn đi về sớm tối, đồng đội gặp nhau, dường như khoảng cách âm dương thật gần. Về với Vị Xuyên, thăm lại chiến trường xưa mỗi CCB như chúng tôi ai cũng hân hoan khi công trình được hoàn thành, chúng tôi nghĩ các đồng đội cũng rất vui”.

Giữ vững biên cương của Tổ quốc là nhiệm vụ cao cả của những người lính, khi đất nước gọi các anh lên đường, giờ chiến tranh đã lùi xa, nhiều anh vẫn ở lại giữa bạt ngàn đá núi. 

Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều CCB đã nhắc đến những địa danh và những cái tên đầy ám ảnh trên mặt trận Vị Xuyên như “ngã ba cửa tử”, “lò vôi thế kỷ”, “đồi thịt băm”, “thung lũng gọi hồn”, “thác âm phủ”… với những nỗi kinh hoàng khi nhắc lại những khoảnh khắc khốc liệt trong cuộc chiến giữ từng tấc đất, nhưng cũng là minh chứng hào hùng của mặt trận Vị Xuyên trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Khánh thành nhà tưởng niệm là việc làm thiết thực tri ân những liệt sĩ, ấm lòng những người ở lại.

Cựu chiến binh trên mặt trận Vị Xuyên

Theo Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, công trình Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên được khởi công từ tháng 7-2015, sau gần 1 năm xây dựng gấp rút, ngôi nhà chung cho các anh hùng liệt sĩ được hoàn thành, trong sự vui mừng của những CCB trên mặt trận Vị Xuyên, nhân dân và các cấp chính quyền địa phương. 

Về cơ bản Nhà tưởng niệm đã khánh thành nhưng bên cạnh đó, còn một số hạng mục chưa hoàn thành như tường rào, kè, đường đi, cổng và một số hạng mục phụ trợ chưa có, do vậy hơn lúc nào, các CCB, thân nhân các anh hùng liệt sỹ mong muốn nhận được sự ủng hộ để công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa giáo dục truyền thống yêu nước này sớm hoàn thiện. 

CCB Nguyễn Công Chiến cho biết, “Chúng tôi là những người may mắn sống sót trong cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc sẽ luôn làm tất cả những gì có thể để linh hồn đồng đội được yên nghỉ. 

Mọi sự ủng hộ xin gửi về Quỹ Xã hội – Từ thiện, Báo CAND, số 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội); SĐT: 043.9420595 hoặc qua đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Liên lạc Hội cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, SĐT: 0936181065.
Số TK: Đỗ Văn Nghiêm Chủ nhiệm Ban liên lạc: 2213205224952 Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn, huyện Phú Xuyên. 
Lưu Hiệp
.
.
.