Nghị trường "nóng" chuyện thí điểm bỏ HĐND phường ở Hà Nội

Thứ Năm, 14/11/2019, 17:24
Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội rằng việc không tổ chức HĐND cấp phường ở Hà Nội là không phù hợp với Hiến pháp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định TP đã nghiên cứu kĩ vấn đề này trước khi xây dựng dự thảo.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội chiều 14-11 thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội.

Đại biểu Lê Thanh Vân đoàn Cà Mau nêu băn khoăn việc không tổ chức HĐND ở cấp phường ở TP Hà Nội có thể không phù hợp với các điều 110, 111 và 114 Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương về nội dung chính quyền phải có cả HĐND và Uỷ ban Nhân dân (UBND).

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, nếu không tổ chức HĐND thì phường chỉ có "nửa chính quyền", như vậy thì không thể gọi là chính quyền.

"Tôi ủng hộ chủ trương cải cách bộ máy nhà nước tinh giản theo hướng tập trung vào vai trò cá nhân nhưng có sự kiểm soát mạnh mẽ. Thực tiễn cho thấy HĐND phường không phát huy hiệu quả, như vậy chúng ta phải đánh giá vì sao... Phải chăng cơ cấu đại biểu HĐND nặng về hình thức?", đại biểu nêu vấn đề.

Tuy nhiên, đại biểu Phùng Văn Hùng đoàn Cao bằng lại cho rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội hoàn toàn đủ căn cứ pháp lý, hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Ông Hùng khẳng định tổ chức bộ máy chính quyền địa phương gồm ba cấp tỉnh, huyện, xã đã tồn tại trên 70 năm, qua thời gian nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến tổ chức bộ máy. Hơn nữa, đô thị và nông thôn có nhiều khác biệt, ở đô thị có tính tập trung cao, đa dạng về nguồn lực, ranh giới địa giới hành chính không có nhiều ý nghĩa, các dịch vụ công được tổ chức ở quy mô thành phố, hoạt động kinh doanh không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính... cho thấy một số chức năng và nhiệm vụ của chính quyền cấp phường không còn phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Phùng Văn Hùng.

"Tổ chức chính quyền cấp phường hiện nay làm bộ máy trở nên cồng kềnh, làm chậm quá trình triển khai các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, lãng phí nguồn lực", đại biểu nêu và nhận định, việc không tổ chức HĐND cấp phường về thực chất là không tổ chức cấp chính quyền phường, như vậy, chính quyền đô thị ở Hà Nội chỉ còn hai cấp là cấp thành phố và cấp quận.

"Cá nhân tôi rất tin tưởng vào thành công của chủ trương này, đồng thời đây cũng là ý nguyện của người dân Hà Nội được đúc kết trong đề án thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội do Thành ủy, UBND, HĐND TP Hà Nội xây dựng", ông Hùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng việc không tổ chức HĐND cấp phường không đi ngược lại các nội dung đã nêu trong Hiến pháp. Ông Hiểu diễn giải Hiến pháp quy định cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND, song không phải cấp chính quyền nào cũng phải tổ chức HĐND và UBND mà có thể tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu.

Về nhiệm vụ giám sát của HĐND phường trong thời gian thí điểm, ông Hiểu cho rằng khi không tổ chức HĐND tại các phường nữa thì cần nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát kiểm tra của cấp uỷ và Mặt trận Tổ quốc.

Giơ bảng tranh luận, đại điểu Lê Thanh Vân đọc lại một loạt nội dung đã nêu trong Hiến pháp về chính quyền địa phương và khẳng định: Xã là một đơn vị hành chính cấp thứ tư, sau cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương. "Ở đâu có đơn vị hành chính, ở đó có chính quyền địa phương. Và chính quyền địa phương phải có HĐND và UBND", ông Lê Thanh Vân nói.

Đăng ký phát biểu cuối cùng, đại biểu Hoàng Trung Hải đoàn Hà Nội, Bí Thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định đề án thí điểm xuất phát từ việc thành phố là một đô thị phát triển nhanh, với mong muốn xây dựng một chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn, đáp ứng yêu cầu của người dân tốt hơn.

Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về việc không tổ chức HĐND phường là không phù hợp với Hiến pháp, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, từ khi xây dựng đề án, Hà Nội đã rất quan tâm đến nội dung này. Thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến của các nhà luật học và các ý kiến đóng góp cho thấy việc ban hành nghị quyết thí điểm không vi hiến.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải.

Ông Hải cũng nêu báo cáo thẩm tra nghị quyết của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, trong đó, các ý kiến đa phần tán thành với việc tổ chức hai cấp chính quyền ở đô thị và ba cấp chính quyền ở nông thôn như đề xuất.

"Việc tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội như trên là phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt", ông Hải nhắc lại báo cáo của Uỷ ban Pháp luật. "Chỉ có thí điểm thì mới rút ra được kinh nghiệm, từ đó tìm được mô hình quản lý tốt", Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh thêm.

Vinh-Minh
.
.
.