Nếu thủy điện Hố Hô tái phạm, sẽ thu hồi giấy phép

Thứ Ba, 01/11/2016, 16:01
Sau nhiều luồng quan điểm khác nhau và sự bất bình của dư luận về thủy điện Hố Hô xả lũ, góp phần làm trầm trọng thêm ngập lụt tại Hà Tĩnh và Quảng Bình hồi giữa tháng 10, ngày 1-11, Bộ Công Thương đã chính thức có kết luận về trường hợp này.


Theo đó, việc Hố Hô xả lũ “tuy có ảnh hưởng nhất định tới việc lũ về ở hạ du nhưng là phù hợp với Quy trình vận hành hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đập”.

Thủy điện Hố Hô có thông báo cho địa phương, nhưng không cảnh báo xả lũ

Thủy điện Hố Hô được đưa vào khai thác năm 2010, nhưng đến tháng 10/2010 đã bị sự cố nước tràn qua đỉnh đập do cửa tràn bị kẹt không mở được. Do đó, đến đầu năm 2013, Hố Hô mới được phép vận hành trở lại với hồ chứa ở mực nước chết trong điều kiện bình thường, đồng thời phải tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du. Đến ngày 16/5/2016, Bộ Công Thương mới cho phép hồ chứa này vận hành ở mực nước thiết kế.

Về việc tuân thủ các quy định vận hành và Phương án phòng chống lụt bão của Nhà máy, Bộ Công Thương cho biết: Việc kiểm tra các hạng mục công trình trước mùa mưa lũ chưa được chi tiết, chủ yếu bằng trực quan nên chưa lường được các tình huống mất an toàn có thể xảy ra trong mùa mưa bão (như sạt trượt mái đào vai đập, sạt lở đường vận hành nhà máy dẫn đến phương tiện cơ giới không vào được, hư hỏng đường lên đập).

Việc xây dựng Phương án phòng chống lũ lụt (PCLL) bảo đảm an toàn đập chưa rà soát hết các tình huống có thể xảy ra như việc sạt lở mái đào vai phải đập đã xảy ra trong đợt mưa lũ vừa qua, dẫn đến việc xử lý bị động. Nội dung Phương án PCLL vùng hạ du chưa quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các đơn vị tham gia ứng phó; chưa quy định rõ chế độ thông tin, báo cáo.

Vị trí đặt máy phát điện dự phòng diesel 250kVA chưa phù hợp, vẫn có thể bị sự cố do sạt trượt nên chưa bảo đảm yêu cầu sẵn sàng cấp điện khi xảy ra sự cố. Trong năm 2016, chưa phối hợp diễn tập phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập. 

Về việc Hố Hô có xả lũ bất ngờ, không báo cho địa phương đoàn kiểm tra Bộ Công Thương đã kiểm tra đối chứng, cho biết: Nhà máy đã “cơ bản” thực hiện thông tin, nhưng vẫn còn một số tồn tại, khiếm khuyết: Đó là các văn bản chỉ nhắc lại tin cảnh báo mưa lớn và thông báo tình hình vận hành của nhà máy; chưa thể hiện rõ nội dung cảnh báo xả lũ của công trình. Không lưu được nội dung thông tin, báo cáo qua điện thoại; các nhân viên trực phải dùng các điện thoại cá nhân để liên hệ. Các nội dung cuộc gọi không được thể hiện bằng văn bản hoặc nhật ký để lưu trữ, theo dõi.

Không có đầu mối thông tin, liên lạc dự phòng trong trường hợp đầu mối chính không liên lạc được; chưa có các giải pháp khác để thông tin, liên lạc khi một số cuộc gọi hoặc tin nhắn không được trả lời. Chưa có mẫu báo cáo nhanh để trực trạm có thể điền nhanh thông tin và fax hoặc e-mail cho các Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT& TKCN) cấp tỉnh, huyện liên quan.

Thủy điện Hố Hô đang xả lũ

Chiều 14/10, khi nhà máy xả lũ khẩn cấp chưa báo cáo Bộ Công Thương theo quy định; chưa có căn cứ thể hiện việc thông báo khi xả lũ khẩn cấp do sự cố cho cơ quan liên quan, đặc biệt là Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Đánh giá việc vận hành Thủy điện Hố Hô ảnh hưởng đến ngập lụt hạ du, Bộ Công Thương cho biết: Việc vận hành xả lũ trong tình huống khẩn cấp với lưu lượng lớn hơn so với lưu lượng tự nhiên (lượng nước xả lớn hơn trung bình khoảng 192 m3/s) từ 17h30 ngày 14/10/2006 đến 2h ngày 15/10/2006 “tuy có ảnh hưởng nhất định tới việc lũ về ở hạ du nhưng là phù hợp với Quy trình vận hành hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đập”. 

“Trường hợp không mở hoàn toàn cửa van tràn, mưa lớn tiếp tục kéo dài, sạt trượt làm trạm diesel và trạm phân phối điện bị tê liệt, mực nước trong hồ dâng cao tràn qua, gây vỡ đập thì thiệt hại cho khu vực hạ du sẽ vô cùng lớn”. 

Địa phương cũng có lỗi

Ngoài trách nhiệm của Hố Hô, kết luận cho biết: Địa phương còn tồn tại là chưa tổ chức diễn tập di dời, sơ tán nhân dân và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên sông thuộc hạ du thủy điện Hố Hô năm 2016.

Phê duyệt phương án PCLL vùng hạ du công trình chưa quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các đơn vị tham gia ứng phó như: Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, xã và các tổ chức trên địa bàn; chưa quy định rõ chế độ thông tin, báo cáo.

Việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống lũ lụt vùng hạ du nhà máy thủy điện Hố Hô chưa thực sự phù hợp với thông tin dự báo, cảnh báo lũ và thông báo xả lũ của công trình.

Với kết luận trên, Bộ Công Thương kiến nghị chính mình xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn trong lĩnh vực an toàn đập. Trường hợp tái phạm sẽ xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực. Bên cạnh đó, yêu cầu EVN, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc chỉ đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân liên quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được kiến nghị xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn trong việc quản lý vận hành, tuân thủ các quy định của Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và chấp hành các quy định của pháp luật về nguyên nước. Thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt nếu tái phạm.

Sau kết luận này, sáng 1-11, lãnh đạo Hà Tĩnh lại lên tiếng về việc Hố Hô xả lũ khi chưa được địa phương cho phép. Theo đại diện nhà máy này, do nước lũ về quá nhanh nên buộc phải xả. Tuy nhiên lưu lượng xả rất thấp, chỉ xả ở mức 126 m3/giây. Trong đêm, do nước về quá cao, xấp xỉ khoảng 800 m3/giây nên công ty đã tăng lưu lượng xả. “Việc này chúng tôi đã xin chỉ đạo cả đêm, không điều tiết thì sẽ tràn mất”, đại diện thuỷ điện Hố Hô cho biết.


Vũ Hân
.
.
.