Nâng cao chất lượng Chương trình “Nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”

Chủ Nhật, 14/01/2018, 09:38
Ngày 13-1, tại Hà Nội, Chương trình "Nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”, mã số KX.04/16-20 (Hội đồng Lý luận Trung ương) tổ chức tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018.

Năm 2018 được xác định là năm bản lề của Chương trình Nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”, năm quyết định chất lượng, tiến độ nghiên cứu chung của Chương trình. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của Chương trình sẽ được chắt lọc, góp phần quan trọng hình thành Đề cương báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng.

Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/16-20 tiếp tục chỉ đạo các đề tài trong Chương trình triển khai nghiên cứu theo đúng tiến độ, tăng cường quản lý chất lượng nội dung nghiên cứu. Đối với một số đề tài có nội dung nghiên cứu liên quan đến chủ đề Hội nghị Trung ương lần thứ 7 và Hội nghị Trung ương lần thứ 8 cần tập trung nghiên cứu, góp phần vào báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Cuối quý II/2018, các đề tài triển khai xong kế hoạch đi khảo sát thực tế, hoàn thành nhiệm vụ hội thảo theo kế hoạch. Ban Chủ nhiệm Chương trình định hướng nội dung báo cáo kết quả nghiên cứu các đề tài lần 3 và lần 4 và chắt lọc kết quả nghiên cứu báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

Năm 2017, 30/30 đề tài trong Chương trình KX.04/16-20 đã hoàn thành kế hoạch tài chính, thực hiện bảo vệ xong cấp quốc gia theo đúng tiến độ. Ban Chủ nhiệm Chương trình và chủ nhiệm các đề tài đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình; chất lượng báo cáo của các đề tài bước đầu đều đạt yêu cầu…

 Ban Chủ nhiệm Chương trình đã tổ chức Hội thảo “Những vấn đề lý luận chính trị-phương pháp nghiên cứu và cách thức tổ chức thực hiện chương trình”.

Tại hội thảo đã có hơn 20 tham luận của các nhà khoa học, quản lý và của chủ nhiệm đề tài. Hội thảo thu được kết quả quan trọng, nhất là thống nhất nhận thức về những đặc điểm nổi bật, mục tiêu, nội dung nghiên cứu của Chương trình KX.04/16-20 và những yêu cầu đặt ra đối với các đề tài thuộc Chương trình; về những vấn đề lý luận chính trị, phương pháp luận nghiên cứu, nhất là những nội dung mới, đề tài cần phải hướng tới và đạt được trong quá trình nghiên cứu.

Nhiều ý kiến phát biểu đã đề cập có chiều sâu về định hướng nghiên cứu gắn với thực tiễn Việt Nam, về cách thức tổ chức, kinh nghiệm quản lý đề tài, những biện pháp khả thi để góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu cũng như quản lý đề tài.

Đến nay các đề tài đã có 122 bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước, 4 bài báo được đăng tải trên tạp chí quốc tế, có uy tín, 4 cuốn sách chuyên khảo được xuất bản; tham gia đào tạo 43 nghiên cứu sinh, 51 thạc sỹ. Một số đề tài đã đóng góp cơ sở lý luận thực tiễn trong báo cáo tư vấn chuẩn bị Hội nghị Trung ương 5 và Hội nghị Trung ương 6; có sự phản biện về chính sách và báo cáo tư vấn với Chủ tịch nước về phân bổ nguồn lực theo yêu cầu. Đặc biệt kết quả nghiên cứu của một số đề tài đã được vận dụng ngay vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

PV (theo TTXVN)
.
.
.