Năm 2017, Giáo sư trẻ nhất là 35 tuổi, Phó giáo sư trẻ nhất là 32 tuổi
- 644 nhà giáo, nhà khoa học được trao chức danh Giáo sư, Phó giáo sư
- Thành lập Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2014 – 2019
- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giữ chức Chủ tịch HĐ chức danh Giáo sư NN
Theo kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, có 85 người đạt tiêu chuẩn GS, 1.141 người đạt tiêu chuẩn PGS. Tổng số người đạt tiêu chuẩn GS và PGS năm 2017 là 1.226 người, tăng 534 người so với năm 2016 và tăng hơn 600 người so với năm 2015.
Theo HĐCDGSNN, số ứng viên GS năm nay có tuổi đời trung bình trẻ hơn các năm trước, GS là 55 trong khi năm 2016 là 57. Ứng viên GS trẻ nhất năm 2017 là Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học, Viện HLKH & CN Việt Nam), 35 tuổi, ngành Toán học. Đây cũng là GS trẻ nhất từ trước đến nay bởi kỷ lục GS trẻ nhất Việt Nam cho đến hết năm 2016 là 37 tuổi.
GS lớn tuổi nhất sinh năm 1943 năm nay tròn 75 tuổi là bà La Huệ Cẩm, GS ngành Ngôn ngữ học, công tác tại Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Ứng viên PGS trẻ nhất năm 2017 là Đỗ Đức Thuận (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), 32 tuổi, ngành Toán học.
Tổng số ứng viên nữ đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 và số ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS các khu vực ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2017 nhiều hơn các năm trước. Năng lực tiếng Anh của các ứng viên tốt hơn các năm trước, nhất là các ứng viên trẻ, các ứng viên được đi du học theo Đề án 322, Đề án 911 của Chính phủ, ứng viên của các cơ sở giáo dục đại học có hợp tác quốc tế hiệu quả.
Một điểm đáng chú ý khác là số lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí ISI và Scopus của các ứng viên trong các năm gần đây tăng nhanh và năm 2017 là 5.316, trong đó Vật lý: 1.177, Hóa học-Công nghệ thực phẩm: 1.027, Y học: 674, Sinh học: 597...
Ứng viên một số ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng đã có bài báo đăng trên các tạp chí ISI và Scopus, cụ thể: Kinh tế: 102, Triết học-Xã hội học-Chính trị học: 14... Một số ứng viên có nhiều bài báo quốc tế ISI/ Scopus, có chỉ số H cao, hoặc có nhiều công trình được ứng dụng hiệu quả trong thực tế, đáng được biểu dương.
Đơn cử như ứng viên Nguyễn Quang Trường, ngành Sinh học có 160 bài; Nguyễn Thị Hồng Vân, ngành Vật lý có 153 bài; Trần Đại Lâm, ngành Hóa học có 114 bài, chỉ số H = 26; Trần Đăng Thành, ngành Vật lý có 110 bài... Nhiều ứng viên có đề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội tốt.
Một số ứng viên được trao giải thưởng quốc tế có uy tín vì thành tích nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng như Nguyễn Thế Hoàng (Bệnh viện Trung ương quân đội 108), giải thưởng A.v.Humboldt, APKO, J.N. Von Nussbaum của Đức; Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ Y tế), Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp; Nguyễn Thị Lệ Thu (Trường ĐH Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và Hoàng Thị Đông Quỳ (Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) được Giải thưởng cho các nhà khoa học nữ năm 2017 “LOreal - UNESCO For Women in Science”.
Ngoài ra, một số ứng viên còn đạt giải thưởng Bông lúa vàng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu hoặc Huy chương vàng về Văn hóa-Nghệ thuật.
Lý giải về việc số lượng GS và PGS đạt chuẩn tăng mạnh so với trước, HĐCDGSNN cho biết: Năm nay, ngày hết hạn nộp hồ sơ lùi lại nửa năm, kéo dài đến ngày 5-1 nên các bài báo, sách xuất bản, đề tài nghiệm thu của các ứng viên... cũng được lùi lại nửa năm.
Bên cạnh đó, năm nay có sự thay đổi về quy chế phong GS, PGS nên có thể các ứng viên mong muốn được xét theo quy định hiện hành trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh.