Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực

Thứ Ba, 01/01/2019, 11:25
Luật An ninh mạng được Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua vào ngày 12-6-2018 với trên 86% đại biểu Quốc hội tán thành. Ngày 28-6-2018, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật An ninh mạng. Hôm nay - ngày 1-1-2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực.

Tạo hành lang pháp lý bảo vệ an toàn trên không gian mạng

Luật An ninh mạng gồm 7 Chương, 43 Điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn trong nước như: VNPT, FPT, BKAV; nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế, viễn thông trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á; các cơ quan đại diện nước ngoài như: Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản… và ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân.

Những quy định cụ thể về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên không gian mạng cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan được Luật An ninh mạng quy định cụ thể trong các điều, khoản. 

Đáng chú ý, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, chương III Luật này quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; phòng, chống tấn công mạng; phòng chống khủng bố mạng; phòng, chống chiến tranh mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng.

Chương IV Luật An ninh mạng quy định, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này và đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Được biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 851/2018/QĐ – TTg ngày 12-7-2018 ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, Bộ Công an đã xây dựng 3 văn bản: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng; Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Mục tiêu xây dựng Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm: Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh; hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định, tạo hành lang pháp lý về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật đồng bộ, khả thi, bảo đảm trình tự, thủ tục trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh...

Trung tướng Huỳnh Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng thừa uỷ quyền của lãnh đạo Bộ Công an báo cáo tóm tắt Luật An ninh mạng tại buổi công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật An ninh mạng ngày 28-6-2018.

6 nhóm hành vi bị cấm được Luật An ninh mạng quy định

Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị nghiêm cấm, gồm 6 nhóm hành vi chính, bao gồm các hành vi gây phương hại đến chế độ và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Những hành vi bị nghiêm cấm này đã quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định 29 hành vi cụ thể. Do đó, đa số hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định và dẫn chiếu từ đời sống thực tế lên không gian mạng. Những hành vi bị cấm được Luật này quy định là:

1.Sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi:

- Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội như: Đăng tải, phát tán thông tin trên mạng có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, làm nhục, vu khống, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, bịa đặt…; hành vi gián điện mạng, xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng trên không gian mạng; chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc qua mạng Internet, trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên Internet, vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng; giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin qua thẻ tín dụng; tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hành hoá, dịch vụ thuộc danh mục cấm; hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

- Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

- Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.

- Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

- Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng.

- Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm phạm trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.

4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hoá trái pháp luật làm mất tác dụng bảo vệ an ninh mạng.

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

6. Hành vi khác theo quy định của Luật An ninh mạng.

Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành và các văn bản pháp quy khác đi kèm được ban hành là hành lang pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của nước ta cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Trên thế giới hiện có hơn 80 quốc gia ban hành quy định pháp luật về an ninh mạng nên việc Việt Nam xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.

Cao Hồng
.
.
.