Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người đứng đầu phải là hạt nhân các phong trào thi đua
- Hà Nội biểu dương, tôn vinh các phong trào thi đua yêu nước và điển hình tiên tiến
- Nói chuyện chuyên đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước
- Hiệu quả từ phong trào thi đua yêu nước ở một huyện vùng biên
Sáng 3-6, tại Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11-6-1948 - 11-6-2018).
Sáng 3-6, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11-6-1948 - 11-6-2018) và tuyên dương các anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động qua các thời kỳ.
Dự lễ kỷ niệm có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng trung ương Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và thành phố trực thuộc Trung ương... Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đặc biệt, 700 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến qua các thời kỳ, là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua yêu nước từ mọi miền Tổ quốc, trên các lĩnh vực, đã về dự lễ kỷ niệm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Đọc diễn văn kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, ngay trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ, trong bối cảnh vô cùng khó khăn, trước nguy cơ của giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, thế nước như “Ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 27-3-1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị phát động thi đua ái quốc nhằm làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.
Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” với mục đích thi đua là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân.
Vì vậy, bổn phận của người dân Việt Nam bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, làm việc gì đều phải thi đua. Thi đua ái quốc sẽ lan rộng khắp mọi mặt đời sống nhân dân, dẹp tan khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta nhất định thắng lợi.
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác dụng lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều phong trào thi đua yêu nước cụ thể đã được phát động và hưởng ứng mạnh mẽ sâu rộng trong cả nước như phong trào “Tuần lễ vàng”, “Vụ chiêm thắng lợi”, “Vụ mùa chủ lực”, “Cơm no, súng tốt, đánh thắng”, “Thanh toán mù chữ”, “Bình dân học vụ”...
Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Hàng chục vạn chiến sĩ, dân công từ khắp các nẻo đường Tổ quốc đã vượt qua bom đạn, đèo cao, vực sâu để chuyển hàng chục vạn tấn lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Hàng vạn thanh niên xung phong ngày đêm anh dũng mở đường, bảo đảm giao thông và hậu cần phục vụ chiến đấu. Đồng bào ở hậu phương ra sức thi đua tăng gia sản xuất; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong công nhân diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi; ngành giáo dục tham gia xóa nạn mù chữ; ngành quân giới thi đua sản xuất nhiều vũ khí phục vụ chiến đấu; chiến sĩ thi đua giết giặc lập công...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá kết quả thi đua và nhấn mạnh: "Thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là tinh thần quốc tế, là góp phần giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới. Thi đua là cải tạo con người. Phong trào thi đua là một trong những thắng lợi lớn của nhân dân ta trong mấy năm kháng chiến này. Nó sẽ làm đà cho những thắng lợi to lớn hơn nữa về quân sự, chính trị, kinh tế". Và Người khẳng định: "Người người thi đua, ngành ngành thi đua; ta nhất định thắng, địch nhất định thua".
Đại hội đã bầu 3 Anh hùng Lao động là Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Hoàng Thăng; 4 Anh hùng quân đội là Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị. Đây là 7 anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của quân và dân Việt Nam. Chính sự động viên đó đã tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng, động lực mạnh mẽ. Nhiều tấm gương quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã xuất hiện.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa các đại biểu điển hình tiên tiến trong thi đua ái quốc. |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 11-6 hằng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước. Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện, triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch nước khẳng định, 70 năm qua, trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới những tên gọi, nội dung, hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ.
Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta, càng khẳng định thi đua là động lực tinh thần và qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động nhân tài, vật lực, sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đây vừa là kinh nghiệm thực tiễn, vừa bổ sung và khẳng định quan điểm, tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua là động lực, là biện pháp để động viên nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong thời gian tới, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của đất nước và hội nhập ngày càng sâu rộng trong khu vực và quốc tế cũng như cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tạo ra cả cơ hội và thách thức.
Thấm nhuần tư tưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy của Người "càng khó khăn, càng phải thi đua", thi đua - khen thưởng là động lực phát triển, là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới.
Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên liên tục hằng ngày, từ đó đòi hỏi chúng ta càng nỗ lực hơn tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc tổ chức thực hiện, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót để thi đua thực sự trở thành động lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.
"Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, giúp mỗi chúng ta ôn lại truyền thống, nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng thi đua yêu nước của Người, phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, vượt qua khó khăn, chung sức, đồng lòng cùng đất nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" - Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa các đại biểu điển hình tiên tiến trong thi đua ái quốc. |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, 70 năm qua, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua chiến đấu lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi để vừa diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong", "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần", "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt"...
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó là, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỉ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, tác động lan toả trong cả nước, đến mọi tầng lớp nhân dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước ta đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen, cần đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, trong đó cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho 20 tập thể hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ và dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước toàn quốc năm 2017. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Theo đó, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, trọng tâm là phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Tiếp tục nhân rộng các phong trào thi đua cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, nhân ái, nhân văn, phát triển toàn diện... Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu cần xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, đem lại lợi ích thiết thân, cụ thể cho đất nước, xã hội, con người; khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, tính tích cực chính trị - xã hội của nhân dân, của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, tạo động lực tinh thần, vật chất mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua cần tăng cường việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đổi mới mạnh mẽ việc biểu dương, khen thưởng…
Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn đại biểu điển hình tiên tiến dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham dự và được tôn vinh, vinh danh tại Lễ Kỷ niệm có các đại biểu Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động, các điển hình tiên tiến trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy, lao động sản xuất - kinh doanh, đấu tranh chống tội phạm, hoạt động xã hội, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Họ đã không quản ngại mọi gian khó, hy sinh, luôn cháy hết mình với công việc; góp phần vào sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ An ninh của Tổ quốc. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà, Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên: Bảo vệ sự bình yên cho Tây Nguyên
Trên những nẻo đường của buôn làng Tây Nguyên luôn có những bước chân thầm lặng của những cán bộ, chiến sĩ Cục An ninh Tây Nguyên. Vận dụng Sáu điều Bác Hồ dạy, trong quá trình công tác của mình, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà cùng các đồng đội luôn xác định: Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép. Đặc biệt, trong công việc luôn phải tiếp xúc với nhiều người dân tộc thiểu số bị lợi dụng, cho nên phải giáo dục cho chiến sĩ thực thi nhiệm vụ phân biệt rõ người bị lợi dụng và người xấu. Từ đó, các chiến sĩ tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu rõ pháp luật, nhận thức được những sai trái; tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số trở thành lực lượng giúp đỡ lực lượng CAND trong việc chống lại các tổ chức phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. |
Đại tá Trần Văn Buộc, Giám thị Trại giam Cây Cầy: Lấy Sáu điều Bác Hồ dạy là phương châm, kim chỉ nam cho hành động
Trong suốt quá trình công tác của mình, Đại tá Trần Văn Buộc luôn xác định Sáu điều Bác Hồ dạy là phương châm, là kim chỉ nam cho hành động, cho công việc của mình. Cùng với Ban Giám thị Trại giam Cây Cầy, Đại tá Trần Văn Buộc đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác. Công tác quản lý, giam giữ phạm nhân đảm bảo chặt chẽ không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ, không để phạm nhân chống, phá, trốn trại, phạm tội mới hay; thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật đối với phạm nhân luôn đảm bảo đúng quy định. Xây dựng mối quan hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân, với các lực lượng vũ trang nơi đóng quân. Thường xuyên giáo dục ý thức nâng cao cảnh giác, nghiệp vụ chuyên môn cho CBCS, không để có sơ hở cho các đối tượng phạm nhân cá biệt gây rối, quậy phá, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của trại. |
Trung tá Nguyễn Thành Chung, Trưởng Công an TP Tuyên Quang, Xây dựng phong cách người Công an bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ Phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc được lãnh đạo đơn vị quan tâm, thực hiện hiệu quả gắn với việc thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, xây dựng phong cách người Công an bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ; coi thi đua là động lực quan trọng thúc đẩy từng cá nhân CBCS nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân. Từ cuối năm 2015, Công an TP Tuyên Quang đã nghiên cứu, đưa vào triển khai quy định về phân loại thi đua cá nhân CBCS dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, thực hiện chỉ tiêu được giao. Qua đó đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn đơn vị. CBCS được nhìn nhận, đánh giá một cách công bằng, khách quan, dựa trên hiệu quả công việc và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Năm 2016, Công an TP đã được tặng Cờ Thi đua của Bộ Công an; năm 2017 được tặng Cờ thi đua của Tổng cục Chính trị CAND… |