Kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

Thứ Tư, 06/01/2016, 12:31
Sáng 6-1, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946 – 6/1/2016)

Tới dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào PanyYathotu và Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin …

Thắng lợi của tinh thần yêu nước, truyền thống giữ vững độc lập, tự do

Trình bày diễn văn Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cách đây 70 năm, ngày 6/1/1946, chỉ sau 5 tháng giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến… đã nô nức tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày diễn văn Lễ kỷ niệm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là thắng lợi của tinh thần yêu nước, truyền thống giữ vững độc lập, tự do của dân tộc; thắng lợi của chính thể dân chủ cộng hoà lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước Việt Nam; thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Nhìn lại chặng đường 70 năm ra đời, phát triển và trưởng thành của Quốc hội Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng khẳng định, quá trình hình thành và sự ra đời của Quốc hội là kết tinh của sự lựa chọn đúng đắn, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước với những giá trị phổ quát của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và quy luật phát triển của lịch sử. Trải qua 13 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa, không ngừng đổi mới và hoàn thiện cả về tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của của mỗi giai đoạn cách mạng. Bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân uỷ thác.

“Các thế hệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; nhiều đại biểu đã chiến dấu anh dũng, hy sinh, cống hiến, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Đồng chí Tổng Bí thư lưu ý, kỷ niệm 70 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam là dịp để chúng ta ôn lại, tự hào về một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, hiểu rõ hơn những thành tựu của đất nước, những đóng góp to lớn của Quốc hội, đồng thời xác định rõ hơn những việc cần làm trong thời gian tới.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm.

Trước hết là phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 70 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của hoạt động, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh hoạt động lập pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng thực chất hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân, nhất là việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về tài chính, ngân sách nhà nước, về tổ chức bộ máy nhà nước, dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, cụ thể hoá chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ những điều kiện thuận lợi để triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động ngoại giao nghị viện, góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá của Đảng và Nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tin tưởng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trọng toàn hệ thống chính trị; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Quốc hội nước ta trong thời gian tới sẽ phát huy những kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 70 năm qua, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quyết định của Quốc hội là sự kết hợp nhuần nhuyễn “ý Đảng, lòng dân”

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Quốc hội luôn gắn bó với nhân dân, mang trong mình sức mạnh của nhân dân, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Mỗi bản Hiến pháp, mỗi đạo luật, mỗi nghị quyết, mỗi quyết định quan trọng của Quốc hội luôn gắn liền với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, là sự kết hợp nhuần nhuyễn “ý Đảng, lòng dân”.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm.

Mỗi thành quả của Quốc hội là kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là sự phối hợp và cộng đồng trách nhiệm giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong hệ thống chính trị; là niềm tin, sự gửi gắm, đồng thuận, đồng tình, ủng hộ của nhân dân và toàn xã hội; là sự chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới và cộng đồng quốc tế.

“Với niềm tin vào cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thông qua bầu cử phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín, 70 năm qua nhân dân ta luôn tín nhiệm giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chính sự trao quyền của nhân dân thông qua bầu cử là nền tảng dân chủ tạo nên chính quyền của dân, do dân, vì dân của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Xúc động bày tỏ lòng biết ơn toàn thể quốc dân đồng bào trong suốt 70 năm qua đã luôn tin tưởng, trao cho Quốc hội trách nhiệm thực hiện quyền lực nhân dân, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng Quốc hội sẽ phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội:

Với kinh nghiệm 15 năm tham gia và hoạt động nghị trường, được phân công làm Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách các vấn đề xã hội và dân nguyện, đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu ĐBQH tiếp xúc, gắn bó chặt chẽ, lắng nghe ý nguyện, chia sẻ cuộc sống của cử tri và nhân dân sẽ có nhiều thông tin thiết thực từ thực tiễn. Từ đó tránh được tình trạng chủ quan, duy ý chí trong việc góp ý kiến, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Quốc hội, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của cử tri và nhân dân trong việc chấp hành, thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước.

Đề xuất đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới,  đồng chí Trương Mỹ Hoa mong muốn hoạt động của Quốc hội tiếp tục đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đồng thời phát huy dân chủ, công khai, minh bạch; xem xét thấu đáo khi quyết định các vấn đề kiến nghị của cử tri và nhân dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đất nước. Nâng cao tỷ lệ và chất lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng cường hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và đội ngũ cán bộ tham mưu. Nâng cao chất lượng, tính khả thi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Việt Nam theo hướng bảo đảm về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:

Vinh dự và tự hào được đại diện cho các ĐBQH trẻ và thế hệ trẻ Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ trong lần bầu cử đầu tiên, nhiều đại biểu trong độ tuổi thanh niên đã vinh dự nhận được sự tín nhiệm của nhân dân bầu tham gia Quốc hội, tiêu biểu như các đồng chí Tạ Quang Bửu (36 tuổi), Võ Nguyên Giáp (35 tuổi), Phan Bôi (35 tuổi), Xuân Thủy (34 tuổi), Trịnh Văn Bô (32 tuổi), Xuân Diệu (30 tuổi), Huy Cận (27 tuổi), Đồng Sỹ Nguyên (23 tuổi), Nguyễn Đình Thi (22 tuổi)...

Trong suốt 70 năm hình thành và phát triển, trải qua 13 khóa, việc lựa chọn đại biểu trẻ để giới thiệu tham gia Quốc hội luôn được quan tâm. Số lượng và chất lượng đại biểu trẻ từng bước được nâng cao. Tỷ lệ ĐBQH trẻ dưới 40 tuổi đạt mức trung bình khoảng 15%, trong đó những khóa cao nhất như khóa I là 70,7%. Đối với các đại biểu trẻ dưới 40 tuổi là thành viên của cơ quan quyền lực cao nhất vừa là vinh dự, cơ hội rèn luyện bản thân, nhưng đồng thời đòi hỏi trách nhiệm hết sức lớn lao với tư cách người đại diện cho nhân dân.

Những ĐBQH trẻ tuổi, đại diện sự nhiệt huyết, sáng tạo luôn ý thức được rằng mình phải có trách nhiệm tiếp bước các thế hệ cha anh, nỗ lực không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, tham gia tích cực vào các nhiệm vụ chính trị của Quốc hội góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả chất lượng hoạt động của Quốc hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng vào sự kỳ vọng của Đảng và tín nhiệm của nhân dân.

Quỳnh Vinh
.
.
.