Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Không thể có sách giáo khoa tự chọn được

Thứ Tư, 12/09/2018, 13:12

“Cải cách, đổi mới nhưng sau đó phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. Không thể có sách giáo khoa tự chọn được. Không thể trường này nói tôi muốn học cái này, trường khác thì học cái khác, tỉnh nào có sách của tỉnh đó” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên thảo luận sáng 12-9.


Tiếp tục Phiên họp thứ 27, sáng 12-9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Trình bày Báo cáo tóm tắt về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Dự luật được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật và điều chỉnh đối một số nội dung khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của Luật Giáo dục với các văn bản pháp luật khác; đảm bảo tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật; đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi).

Về cấu trúc, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều, tăng 34 điều so với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5…

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật được nêu trong Báo cáo của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình

Tuy nhiên về bố cục, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục; quy định về khung trình độ quốc gia vào nội dung quản lý nhà nước; thiết kế một số điều quy định về giáo dục hòa nhập cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong giáo dục mầm non…

Thảo luận tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn về quy định các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa (Điều 29 dự thảo luật). “Nếu học sinh, phụ huynh mua sách đến trường thầy giáo bảo không được, phải mua sách của trường thì thế nào?”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cho rằng, thời ông học sách giáo khoa 10 năm vẫn dùng được và dù là ở Hà Nội hay lên miền núi vẫn học được. Nay nếu mỗi trường tự chọn sách giáo khoa thì sẽ là sự tốn kém rất lớn cho xã hội. Từ đó, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo phải quy định thống nhất các trường sử dụng sách giáo khoa theo chương trình chung.

Đồng quan điểm, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho hay, cử tri hết sức bức xúc với sách giáo khoa sử dụng một lần vì mỗi năm các gia đình phải bỏ ra tới 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa nhưng năm sau thì không dùng được nữa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận

“Phải thống nhất cả nước, chứ không trẻ con đi học giáo viên gợi ý học sinh phải mua sách, không mua giáo viên chấm điểm thấp thì gay” – Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm, đề nghị không thể quy định sách giáo khoa nhà trường tự chọn hay một môn học có nhiều sách giáo khoa.

Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Cải cách, đổi mới nhưng sau đó phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. Không thể có sách giáo khoa tự chọn được. Không thể trường này nói tôi muốn học cái này, trường khác thì học cái khác, tỉnh nào có sách của tỉnh đó”.

Liên quan tới quy định về các chương trình thí điểm, thực nghiệm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, gần đây, cử tri rất quan tâm tới chương trình thực nghiệm công nghệ giáo dục.

Theo luật Giáo dục hiện hành, khi chương trình thí điểm được triển khai đại trà thì Chính phủ phải trình Quốc hội để phê chuẩn. Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh 100% các trường đều sử dụng sách công nghệ giáo dục, như vậy, lúc này chương trình thực nghiệm đã trở thành đại trà chứ không còn là thực nghiệm nữa.

Bà đề nghị, dự thảo luật cần thể hiện rõ quyền của phụ huynh và học sinh. Phụ huynh cần được biết chương trình dạy con mình như thế nào và người ta có quyền tham gia hay không tham gia.

Toàn cảnh phiên họp

“Tôi thấy rất thương trẻ con học sinh bây giờ vì học rất khổ sở. Thế hệ chúng tôi học cách đây 5 - 6 chục năm nhưng kiến thức không quên cái gì, còn nguyên. Trẻ con giờ hỏi gì đều không biết”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, băn khoăn về chất lượng giáo dục hiện nay bởi học sinh phải học thêm rất nhiều, gần như không có nghỉ hè, không có vui chơi.

Theo Chủ tịch Quốc hội, một người bạn là giáo viên nói rằng, giáo dục bây giờ rất khó, không giống ngày xưa, không làm cho học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng mà đặt ra nhiều cái cao siêu, hàn lâm rồi liên tục đổi mới, thí điểm mà không biết kinh nghiệm ở đâu..

“Thực nghiệm gì mà mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm, hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm, khổ học sinh lắm” – Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, đồng thời đề nghị bố trí thêm thời gian thảo luận về dự án luật này.

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên UBTVQH, đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Giáo dục và đào đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo dục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật này đảm bảo vừa mang tính quy phạm vừa mang tính khả thi.


An Quỳnh
.
.
.