“Khoảng tự do chính sách” càng lớn, tham nhũng càng nhiều

Thứ Năm, 08/12/2016, 17:08
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng, chống tham nhũng, song tham nhũng trong lĩnh vực đất đai vẫn là vấn đề nóng.


Nhằm chỉ ra nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp chính sách để kiểm soát tham nhũng hiệu quả hơn, ngày 8-12, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (KT-QD) và chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức tọa đàm và chia sẻ kết quả nghiên cứu “Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai: Nghiên cứu trường hợp và hàm ý chính sách” tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ban, ngành nhân ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng 9-12.

Theo GS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường KT-QD, nguy cơ tham nhũng nảy sinh giữa doanh nghiệp và cán bộ công chức trong các dự án phát triển hạ tầng và khai khoáng không sử dụng ngân sách Nhà nước là lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân. 

Kết quả nghiên cứu về tham nhũng đất đai được chia sẻ

Ở hầu hết các dự án, lợi ích của người dân bị ảnh hưởng không được quan tâm thỏa đáng, vì các nhóm lợi ích chi phối quá trình qui hoạch ít quan tâm đến lợi ích kinh tế –xã hội rộng lớn.

 TS. Nguyễn Văn Thắng-Viện trưởng Viện Quản lý châu Á –Thái Bình Dương- cho hay, sau khi Luật đất đai có hiệu lực, dù GDP không cao hơn, nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, khai khoáng vẫn phải trả chi phí không chính thức nhiều hơn, còn người dân được nhận bồi thường hỗ trợ cho đất bị thu hồi vẫn giữ nguyên.

Kết quả nghiên cứu ở 5 dự án khác nhau chỉ ra nhiều loại tham nhũng, như thông thầu, tham nhũng chính sách vv… Ở một dự án xây dựng đô thị mới ở miền núi phía Bắc tới 400 ha, vốn đầu tư 400 tỷ đồng, nhưng chỉ có một nhà thầu. 

Doanh nghiệp phải chi phí nhiều khoản “bôi trơn”, mất 4 năm làm thủ tục mới được khởi công. Bù lại, các khoảng đất trong qui hoạch được phân cho nhà đầu tư (NĐT), để chờ các dự án của “đệ tử” bán bớt hàng, chính quyền địa phương cho “tạm dừng dự án kiểm tra” vv… Người dân được bồi thường đất đai nhưng giá thấp và không còn sinh kế vì hết ruộng đất...

Các dự án cần có sự tham gia của người dân từ đầu

TS. Andrew Wells Dang-cố vấn quản trị cao cấp của Oxfam Việt Nam, cho rằng, “khoảng tự do chính sách” dẫn tới sự bắt tay giữa công - tư, giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. “Cấu kết tham nhũng thời gian qua là do sự tham gia giám sát của cộng đồng chưa mạnh mẽ, mà điều này rất quan trọng, cho nên phải kiểm soát tham nhũng, giảm “khoảng tự do chính sách” bằng việc phát huy mô hình người dân giám sát và sự tham gia của cộng đồng. 

Tại buổi tọa đàm, bà Hoàng Vân Anh (Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai), bà Vũ Thu Hạnh (Ban Nội chính Trung ương), VCCI vv… đã có nhiều ý kiến nhằm giúp cho hoạt động phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn. Đó là người dân phải được tham gia vào quá trình thảo luận chính sách và giám sát việc tuân thủ chính sách.

Hệ thống luật pháp liên quan đến đất đai và quản lý dự án cần bổ sung qui định bắt buộc tiếp thu ý kiến người dân, thay đổi qui trình ra quyết định của một nhóm nhỏ. Luật phòng chống tham nhũng cần ưu tiên phòng ngừa việc cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ - công chức ở lĩnh vực đất đai, đầu tư. 

“Phải có cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tham nhũng để tránh cấu kết từ xây dựng chính sách” - bà Vũ Thu Hạnh nhấn mạnh.


Thanh Hằng
.
.
.