Phòng chống tham nhũng:

Chống tham nhũng: Có quyết tâm, nhưng hành động chưa tương xứng

Thứ Sáu, 28/10/2016, 11:47
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng địa chỉ tham nhũng vẫn chưa được chỉ rõ, là nguyên nhân khiến tham nhũng chưa giảm.


Bên cạnh ghi nhận những nỗ lực cùng với sự thẳng thắn của Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng, khi lần đầu tiên thừa nhận trước Quốc hội về việc có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng địa chỉ tham nhũng vẫn chưa được chỉ rõ, là nguyên nhân khiến tham nhũng chưa giảm.

Thẩm tra báo cáo phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp nhận định, công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016 đạt những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện ở việc phát hiện và kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng và hàng chục nghìn hécta đất. Việc phát hiện và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra qua công tác thanh tra tăng so với cùng kỳ năm 2015, tăng 4 vụ và 57 đối tượng.

Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản vẫn còn thấp; việc xử lý trách nhiệm vẫn chủ yếu tập trung vào xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016 chưa chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra. Qua kiểm toán cũng phát hiện nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và kiến nghị xử lý tài chính 14.781,9 tỷ đồng, nhưng không phát hiện tham nhũng.

Qua công tác thanh tra đã ban hành 138.953 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 13.075 tỷ đồng, nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý 69 vụ/107 đối tượng có dấu hiệu tội phạm, trong đó có 49 vụ/95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Đáng lưu ý thời hạn chuyển hồ sơ các vụ, việc tham nhũng có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra còn chậm, có những vụ sau hơn một năm kể từ khi phát hiện mới chuyển, gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, đặc biệt là việc thu thập chứng cứ, thu hồi tài sản tham nhũng, đơn cử tại Thanh Hóa, ngày 2-12-2015, Công an tỉnh tiếp nhận 4 kết luận do Thanh tra tỉnh chuyển, trong đó có 2 kết luận từ tận tháng 2/2013 và tháng 10/2013.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra về tham nhũng trước Quốc hội

Ủy ban Tư pháp nhận định: Công tác kiểm tra, tự kiểm tra để PCTN còn yếu nên hầu như rất ít phát hiện được tham nhũng; có trường hợp đã phát hiện được nhưng lại xử lý nhẹ hoặc xử lý nội bộ. Đặc biệt là trong các năm qua, mặc dù UBTP đã kiến nghị nhiều lần nhưng Chính phủ vẫn không xác định cụ thể được số tài sản tham nhũng qua công tác thanh tra, chưa tách biệt giữa tài sản do hành vi tham nhũng gây ra với tài sản do hành vi vi phạm pháp luật khác, dẫn đến không đánh giá chính xác được hậu quả vật chất do tham nhũng gây ra.  

Ủy ban Tư pháp nhận định: các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có nhiều nỗ lực trong công tác này. Tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm có chuyển biến tích cực, như Tòa án đã đưa ra xét xử 10 vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm phạm tội tham ô tài sản tại Công ty ALC II; vụ Trần Quốc Đông phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU)... Ngày 1-10-2016, Tổng Bí thư chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đã quyết định sẽ đưa 6 vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017

Tuy nhiên, công tác giải quyết tố giác, tin báo; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đều giảm so với cùng kỳ năm 2015 và không đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội. Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố 142 vụ/335 bị can, giảm 25%; Viện kiểm sát truy tố 263 vụ/634 bị can, giảm 17,8%; Tòa án xét xử sơ thẩm 194 vụ/441 bị cáo, giảm 34%; qua giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng thu hồi được 92 tỷ 460 triệu đồng, đạt 38,5%; qua công tác thi hành án thu hồi được 45 tỷ 606 triệu đồng, đạt 0,92%.

Đáng lưu ý, qua giám sát của UBTP cho thấy, trong ba năm gần đây số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đều giảm dần. Năm 2015 cơ quan điều tra khởi tố mới 178 vụ/317 bị can (giảm 43,8% số vụ và 87% số bị can), Viện kiểm sát truy tố 310 vụ, 697 bị can (giảm 0,61% số vụ và 0,77% số bị can), Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ, 517 bị cáo (giảm 10,3% số vụ và 30,5% số bị cáo về các tội danh tham nhũng.

Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ, ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những khu vực này còn nghiêm trọng.

UBTP đồng tình với đánh giá của Chính phủ: Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn ra phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng” và cho rằng đánh giá này là đúng với thực trạng hiện nay cũng như phản ánh của người dân, doanh nghiệp và xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Tuy nhiên, địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền lại chưa được chỉ rõ.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII đã đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng là do trong nhiều năm, các Báo cáo này vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có một số nơi”, “có một bộ phận”, “một số người đứng đầu”, “một số cơ quan, đơn vị”…. mà không có địa chỉ cụ thể nên không xác định được trách nhiệm cá nhân và không có tác dụng mạnh mẽ để chỉnh đốn, thay đổi; quyết tâm chống tham nhũng chỉ nằm trên văn bản, còn hành động trên thực tế lại chưa tương xứng.

Vũ Hân
.
.
.