Khai mạc Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững APEC tại Hạ Long
- Du lịch bền vững APEC trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
- An toàn cho Hội nghị "Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững" APEC 2017
- APEC vẫn giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương
- Bộ trưởng Thương mại các nước APEC ra tuyên bố chung về TPP
Trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững, để đóng góp vào Mục tiêu phát triển bền vững trong APEC, hướng ứng Năm APEC Việt Nam 2017, đồng thời cũng hướng ứng Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển của Liên Hợp Quốc.
Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững là cơ hội tốt để các nền kinh tế thành viên APEC cùng nhau xác định rõ thực trạng và đề ra các hành động thiết thực, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, góp phần quan trọng vào tương lai chung về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương năng động, gắn kết, bền vững và bao trùm.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu khai mạc. |
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết du lịch luôn là một ưu tiên hợp tác của APEC ngay sau khi Diễn đàn này được thành lập vào năm 1989. Ngành du lịch trong năm 2016 đã đóng góp 1.300 tỷ USD cho GDP của khu vực APEC và tạo ra 67 triệu việc làm trực tiếp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc, ngành du lịch APEC có nhiều cơ hội, song cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dự báo sẽ tạo nên những thay đổi lớn đối với thế giới nói chung, ngành du lịch nói riêng. Bởi vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào để phát triển du lịch bền vững về kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường.
Theo đó, người đứng đầu ngành Du lịch Việt Nam nhận định, các nước APEC cần hợp tác nhằm bảo đảm các lợi ích kinh tế, xã hội cho tất cả mọi người dân về việc làm ổn định, cơ hội thu nhập, góp phần giảm nghèo, gìn giữ các giá trị văn hóa và tăng cường giao lưu, hiểu biết văn hóa lẫn nhau cũng như bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học.
Toàn cảnh phiên khai mạc Đối thoại. |
Đối thoại tổ chức tại thành phố Hạ Long, địa danh gắn liền với Vịnh Hạ Long từng 2 lần được UNESCO công nhân là di sản thiên nhiên thế giới, bao gồm 3 phiên họp quan trọng là: Phát triển du lịch bền vững trong thế giới đang thay đổi; Kinh nghiệm và tầm nhìn hợp tác phát triển du lịch bền vững APEC; và Thông qua tuyên bố của đối thoại chính sách cao cấp.
Tại phiên họp đầu tiên, đại diện Việt Nam sẽ trình bày bài phát biểu quan trọng về chủ đề "Du lịch bền vững APEC trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4".
Đại diện Việt Nam tại Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững APEC. |
Kết thúc các phiên họp, các Lãnh đạo Du lịch APEC dự kiến thông qua tuyên bố về phát triển du lịch bền vững, bao gồm các khuyến nghị, định hướng cụ thể để phát triển du lịch bền vững tại khu vực APEC, như: Thúc đẩy quan hệ đối tác công tác công-tư để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch một cách bền vững; khuyến khích nhu cầu tiêu dùng và sản xuất bền vững trong ngành du lịch; xây dựng một khuôn khổ hợp tác thống nhất cho hành động chung trong APEC để đảm bảo tính bền vững của du lịch và lữ hành.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trong phiên khai mạc. |
Đối với Việt Nam, hợp tác du lịch trong APEC đóng vai trò vô cùng quan trọng. Năm 2016, 10 thị trường nguồn khách du lịch hàng đầu của du lịch Việt Nam đều là nền kinh tế thành viên APEC, trong đó, Việt Nam đã miễn thị thực nhập cảnh cho 9 nền kinh tế, chiếm 85% lượng khách từ các nền kinh tế thành viên APEC đến Việt Nam.