Không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng

Thứ Bảy, 18/11/2017, 15:43
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) về quan điểm của mình trước những dư luận khác nhau về BOT giao thông trong phần trả lời chất vấn chiều 18-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã nhìn ra những bất cập trong hình thức này và đang quyết liệt chấn chỉnh.


Khẳng định tầm quan trọng của việc xã hội hóa nguồn lực đã được thể hiện trong tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng khóa 13 về phát triển hạ tầng ở Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ “Chúng ta đã có bước phát triển hạ tầng tốt vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, đã thu hút được đến 200.000 tỷ vốn xã hội vào lĩnh vực này, cái được là phải khẳng định”         

Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những kết luận của Kiểm toán Nhà nước, chúng ta đã thấy những bất cập mà tôi chỉ nêu một số ý lớn”.

Về bất cập trong BOT, Thủ tướng nêu rõ: trước hết là bất cập trong quy hoạch hệ thống BOT, chúng ta chưa làm tốt điều này,  triển khai ồ ạt dẫn đến chồng chéo. Có những tuyến làm dư luận bất bình, những tuyến gây bức xúc xã hội về số trạm thu phí, số km đặt trạm, giá phí....

Bên cạnh việc cơ chế, thể chế về BOT còn nhiều bất cập, chúng ta cũng thiếu giám sát, thiếu kiểm tra nên có nhiều sai phạm diễn ra. Hiện Chính phủ đang kiểm tra chấn chỉnh quyết liệt.

“Với tinh thần phải xã hội hóa, BOT là cách thức huy động vốn rất quan trọng trong 2 lĩnh vực – điện (đặc biệt là phát điện) và giao thông, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để các quy định về PPP, cụ thể là BOT tốt hơn, rõ hơn, có cơ sở khoa học, kiểm soát được tổng mức đầu tư, thời gian thu phí, giá phí, đặc biệt những công trình BOT phải được đấu thầu công khai, rộng rãi để nhiều nhà đầu tư tham gia, giảm chi phí cho XH chứ không phải chỉ định thầu, ảnh hưởng đến công trình. Quy trình cần làm tốt hơn để có những công trình BOT tốt hơn” – Thủ tướng nêu rõ.

Liên quan đến một dự án cụ thể là cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mới hôm qua, ông đã làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và Bộ trưởng Bộ GTVT, thống nhất sẽ làm tuyến này bằng hình thức BOT, trên tinh thần khắc phục những tồn tại của BOT hiện nay.

Thủ tướng đã giao cho Bộ trưởng giao thông phối hợp với Bắc Giang, Lạng Sơn tìm nhà đầu tư có năng lực nhất để sớm triển khai dự án này, hoàn thành vào năm 2019 – 2020. Công việc sẽ được triển khai ngay khi kết thúc kỳ họp Quốc hội.

Trước đó chỉ vài ngày, Văn phòng Chính phủ cũng đã ra thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số bất cập, hạn chế và cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh, liên kết; đồng thời Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT trong giai đoạn tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội.

Không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng

Về câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về việc Thủ tướng có hài lòng về kết quả điều hành của Chính phủ hay không?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định “Đây là câu hỏi rất hóc búa bởi phải tự nhìn nhận lại chính mình, Thủ tướng cũng đã thẳng thắn trả lời rằng ông “chưa được hài lòng”. Đồng thời trả lời nêu rõ: Năm 2017 - năm đầu tiên chúng ta hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế, quốc phòng, an ninh mà Trung ương đề ra. Kết quả đó là rất đáng phấn khởi. Trong điều kiện thiên tai lũ lụt nhiều thiệt hại, những điều chúng ta đạt được là rất hoan nghênh. Nhưng chúng tôi nhận thức rằng mới chỉ là bước đầu. Nói về việc có hài lòng không thì phải nói chưa hài lòng. Vì vậy chúng ta phải quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa. Nếu tất cả các đồng chí cán bộ chúng ta đồng lòng, quyết tâm hơn nữa thì kết quả tốt hơn. Đồng chí có nói Thủ tướng lo lắng là gì? Tôi cho rằng đó chính là diễn biến hòa bình, tham nhũng, tụt hậu và tự diễn biến, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, xa dân, quan liêu… Vì vậy vấn đề đặt ra là phải tiếp tục kiến tạo, liêm chính, hành động để không còn một bộ phận cán bộ mà nhân dân không tin tưởng. Tiếp tục tìm thể chế, chính sách để phát huy được tiềm năng của con người Việt Nam.

Về vấn đề tham nhũng mà xã hội quan tâm có bị chìm xuồng không, tôi khẳng định rằng Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng. Không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng. Vì vậy hệ thống hành pháp phối hợp với các hệ thống tư pháp để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và sẽ công khai trước Quốc hội các kết quả xử lý.

Phương Thuỷ
.
.
.