Kết quả cải cách hành chính chưa cao, vẫn còn tình trạng “xin – cho”

Thứ Tư, 24/02/2016, 18:42
Đó là nội dung báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 24-2, cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã ban hành, triển khai Chương trình hành động toàn khóa, trong đó xác định 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với 637 đề án lớn, trong nhiệm kỳ đã cụ thể hóa thành trên 2.600 đề án thành phần để tổ chức thực hiện. Đến năm 2015 đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn 59 đề án chuyển sang năm 2016.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu tại cuộc họp. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giảm mặt bằng lãi suất, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế gắn với xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Trong cải cách hành chính, từ năm 2011 đến nay đã đơn giản hóa 4.471/4.723 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 94,7%. Trong hoạt động đối ngoại, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, kinh tế. Công tác hội nhập quốc tế được triển khai tích cực hiệu quả. Hoạt động ngoại giao đa phương có bước chuyển quan trọng. Ngoại giao song phương tiếp tục phát triển với nhiều đối tác, trên nhiều lĩnh vực…

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, báo cáo của Chính phủ mới tập trung vào những biện pháp cụ thể về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững mà chưa nêu rõ chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có kiểm soát lạm phát. Báo cáo cần đánh giá cụ thể hơn về chất lượng, hiệu quả và việc tổ chức triển khai những chính sách, biện pháp về tái cơ cấu nền kinh tế; nêu rõ kết quả cụ thể việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, kết quả giải quyết nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản trong nhiệm kỳ qua; vấn đề thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bảo tồn, phát triển vốn, hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước, khắc phục tham nhũng, lãng phí của các doanh nghiệp này...

Về cải cách hành chính, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhận định, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính tuy nhiên đến nay kết quả chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”; bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh... tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao… gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.

“Báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tình trạng lãng phí còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu, như việc xây dựng trụ sở, quảng trường, tượng đài, mua sắm và sử dụng tài sản công”- ông nhấn mạnh.

Quỳnh Vinh
.
.
.