Hoạt động giám sát phải tránh gây bức xúc cho địa phương

Thứ Ba, 20/12/2016, 14:29
“Nhiều địa phương có đoàn giám sát xuống, đoàn này chưa đi đoàn khác đã dập dìu đến, rồi lại tiếp bao nhiêu đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… nên phải hết sức thông cảm với họ” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.

Sáng nay, 20-12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 5, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình cho biết, Quy chế quy định cụ thể về trần số lượng một số hoạt động của Đoàn giám sát (như về số lượng chuyên đề; số lượng các đoàn công tác, số thành viên tối thiểu của mỗi đoàn công tác; số địa phương đến giám sát của Đoàn giám sát; số lượng, thành phần tham dự, thời gian trình bày báo cáo khi tổ chức hội thảo, tọa đàm...).

Toàn cảnh phiên họp

Bởi vì,  thực tế cho thấy, các chủ thể không thể tiến hành quá nhiều hoạt động trong một năm; đồng thời, nếu không quy định cụ thể về trần số lượng sẽ dẫn đến hoạt động của các đoàn sẽ không thống nhất, số lượng các hoạt động quá nhiều làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến các cơ quan chịu sự giám sát, các địa phương.

Mặt khác, việc quy định trần số lượng cũng xuất phát từ thực tiễn tổ chức hoạt động giám sát trong nhiều nhiệm kỳ qua, nhất là việc áp dụng và đúc kết thực tiễn từ các hoạt động giám sát có liên quan trong năm 2016 (như việc tổ chức hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2; xây dựng chương trình giám sát, thành lập và triển khai hoạt động của các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, của UBTVQH năm 2017…).

“Trước đây có đoàn giám sát tới 34 tỉnh thành, bộ ngành nhưng kết quả lại giống nhau. Khi xuống giám sát đi quá nhiều xe, nhiều người, mỗi Thứ trưởng kèm theo vài người giúp việc, xe riêng rồng rắn…” – ông Phúc nói, đồng thời đề nghị cần quy định làm sao để quá trình giám sát đảm bảo tiết kiệm nhưng vẫn hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, tổng số các cuộc giám sát trong một năm tương đối lớn. Do đó, số lượng một số hoạt động giám sát phải được quy định điều hoà để tránh gây khó khăn, bức xúc cho địa phương. “Nhiều địa phương có đoàn giám sát xuống, đoàn này chưa đi đoàn khác đã dập dìu đến, rồi lại tiếp bao nhiêu đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… nên phải hết sức thông cảm với họ”, ông nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc hiển cũng khẳng định, đã đi giám sát là không băng rôn, khẩu hiệu chào mừng mà phải triệt để tiết kiệm, mỗi đoàn đi chỉ có 3 xe. “Đặc biệt cần chú trọng khâu hậu giám sát, Quốc hội phải có biện pháp cương quyết với đơn vị nào không thực hiện nghiêm” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng tình với các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, đối với những chất vấn trả lời bằng văn bản cần quy định trong thời gian bao lâu, chẳng hạn trong 2 ngày phải có trả lời chứ không được để kéo dài. Người được chất vấn cũng không được ủy quyền cho người khác trả lời thay, trừ trường hợp đặc biệt.

Kết lại phiên thảo luận, UBTVQH giao Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu đầy đủ các ý kiến, rà soát kỹ nội dung, hoàn chỉnh văn bản trình UBTVQH thông qua vào phiên họp tiếp theo.

Quỳnh Vinh
.
.
.