Hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự

Thứ Hai, 27/06/2016, 09:41
Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cụ thể hóa các trình tự, thủ tục tố tụng, xác định đầy đủ quyền và trách nhiệm luật định, hạn chế tối đa các quy định chung dẫn đến phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành, là quan điểm xuyên suốt của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có 9 phần, 36 chương, 510 điều, trong đó đã hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Cụ thể Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, gồm: Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (Điều 11); suy đoán vô tội (Điều 13); không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm (Điều 14); tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Điều 26); bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong hệ thống từng cơ quan tố tụng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 33).

Bộ luật quy định: Mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án phải được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự; quy định chặt chẽ căn cứ tạm giam. Theo đó, cụ thể hóa các căn cứ được coi là cản trở điều tra, truy tố, xét xử nhằm tránh lạm dụng; thẩm quyền quyết định tạm giam chỉ thuộc Thủ trưởng các cơ quan tố tụng và Hội đồng xét xử; rút ngắn thời hạn tạm giam (đối với tội nghiêm trọng: rút ngắn 1 tháng; tội rất nghiêm trọng rút ngắn 2 tháng; tội đặc biệt nghiêm trọng rút ngắn 4 tháng); bổ sung thời hạn đối với biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền. Thu hút toàn bộ các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế để điều chỉnh chung trong một chương nhằm bảo đảm tính hệ thống, chặt chẽ và nhất quán trong việc quy định các biện pháp này.

Để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, Bộ luật đã bổ sung người bị buộc tội và người bào chữa có quyền thu thập, cung cấp chứng cứ; quy định người bào chữa có quyền đánh giá chứng cứ do cơ quan tố tụng thu thập; bổ sung trách nhiệm và thủ tục Tòa án phải giải quyết các yêu cầu của người tham gia tố tụng trước khi mở phiên tòa. Đổi mới trình tự xét hỏi theo hướng sau phần xét hỏi của Chủ tọa phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định ai hỏi trước, ai hỏi sau, bị cáo có quyền trực tiếp đặt câu hỏi với bị cáo khác, bị hại, người làm chứng nếu được Chủ tọa phiên toà đồng ý; khẳng định rõ nguyên tắc bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động tố tụng tư pháp, Bộ luật quy định: Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng để họ tham dự; bổ sung các quy định để Viện Kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; bắt buộc Kiểm sát viên phải hỏi cung khi bị can kêu oan hoặc khi phát hiện hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; quy định trách nhiệm của cơ quan tố tụng cấp trên phải kiểm tra hoạt động tố tụng của cơ quan cấp dưới; bổ sung cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng.

PV (Theo TTXVN)
.
.
.