Trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện Kiểm sát trong tố tụng hình sự

Thứ Ba, 10/11/2015, 19:24
Trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát được quy định cụ thể tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Theo đó, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát. Đối với những yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát như: Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra; quyết định hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; nếu không nhất trí, Cơ quan điều tra vẫn phải chấp hành, nhưng có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị.

Thực tiễn thi hành Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành cho thấy, thời gian qua, Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm; thúc đẩy tiến độ điều tra các vụ án, khắc phục tình trạng điều tra kéo dài; rà soát các vụ án còn tồn đọng để tăng cường lực lượng, tập trung giải quyết dứt điểm. Chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm đã có chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ điều tra, khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng năm 2015 đạt 90,44%; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng được tập trung chỉ đạo điều tra, khám phá kịp thời, điển hình là các vụ thảm án tại Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái; các vụ án kinh tế, tham nhũng liên quan đến Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Oceanbank, GP Bank... Các quyết định của Viện kiểm sát các cấp về việc hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam bị can, hủy quyết định tạm giữ, không phê chuẩn gia hạn tạm giữ của cơ quan điều tra ngày càng giảm.Sự phối hợp giữa các Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát, Tòa án các cấp nhìn chung chặt chẽ, thống nhất và đạt kết quả tốt; kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chất lượng giải quyết các vụ án ngày càng tốt hơn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo môi trường lành mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Liên ngành tư pháp Trung ương đã ban hành nhiều Thông tư liên tịch có liên quan trực tiếp đến công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết một số vụ án hình sự, nhận thức, đánh giá về chứng cứ, tội danh hoặc diện truy tố giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chưa thống nhất, dẫn đến một số quyết định và văn bản tố tụng do Cơ quan điều tra ban hành không được hoặc chậm được Viện kiểm sát phê chuẩn, ảnh hưởng tới tiến độ, kết quả điều tra, xử lý vụ án.

Chúng tôi cho rằng thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị là quá dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án hình sự. Vì vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành và Điều 163 dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) theo hướng: “Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị”.

Nguyễn Phương
.
.
.