Những hạt nhân chưa hợp lý của mô hình tranh tụng trong tố tụng hình sự

Chủ Nhật, 15/11/2015, 15:35
Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) lần này cơ bản đã đi đúng định hướng, tiếp tục duy trì những ưu điểm của mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn. Tuy nhiên, việc đưa vào dự thảo những hạt nhân chưa hợp lý của mô hình tranh tụng gây ra tranh cãi khó có hồi kết nếu không đi tới đúng bản chất của nó.

Báo CAND Online xin giới thiệu bài viết của Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát về vấn đề này.

1. Quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước về tranh tụng trong hoạt động tố tụng hình sự

Tranh tụng trong tố tụng hình sự thực chất là quá trình vận động tác động qua lại giữa hai chức năng cơ bản của tố tụng hình sự: chức năng buộc tội và chức năng bào chữa. Chủ thể thực hiện các chức năng tố tụng này được tạo điều kiện “bình đẳng” với nhau trong việc bày tỏ ý kiến và bảo vệ ý kiến của mình trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án mà đỉnh điểm của quá trình này diễn ra tại phiên tòa sơ thẩm. Tăng cường tranh tụng trong tố tụng hình sự có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy dân chủ, nghiêm minh, công bằng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Mặt khác, tăng cường tranh tụng chính là biện pháp để bảo vệ sự thật khách quan cho những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Qua đó cũng đặt ra yêu cầu tự nâng cao năng lực, trình độ trách nhiệm, bản lĩnh của cơ quan tiến hành tố tụng và cán bộ tiến hành tố tụng hình sự. Đồng thời thể hiện yêu cầu trung thực, khách quan của người tham gia tố tụng hình sự; sự minh bạch của hoạt động tố tụng hình sự.

Tăng cường tranh tụng trong hoạt động tố tụng hình sự là tư tưởng mang tính đột phá, xuyên suốt nội dung đổi mới và hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự Việt Nam, được xác định là một trong những vấn đề quan trọng nhất của cải cách tư pháp. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/01/2002 về Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới yêu cầu: “Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác…”. “Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn… để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục…”. “Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa”. Thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành (năm 2003) đã có những sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu tranh tụng như: quy định thời điểm tham gia của người bào chữa sớm hơn, bổ sung một số quyền của người bào chữa; bổ sung các quy định để bảo đảm cho kiểm sát viên nắm chắc hồ sơ, tài liệu, chứng cứ ngay trong giai đoạn điều tra vụ án; bổ sung trách nhiệm của kiểm sát viên phải đưa ra lập luận với từng ý kiến ý kiến tranh tụng tại phiên tòa. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tiếp tục nhấn mạnh: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.

Trong nhiệm kỳ 2011-2015, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng Đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam”. Trong phiên họp ngày 12/3/2012 Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã cơ bản thống nhất với Đề án này, đã xác định mô hình tố tụng hình sự Việt Nam theo mô hình “thẩm vấn kết hợp với tranh tụng”. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi.

Như vậy, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh tranh tụng và xem đây là giải pháp quan trọng, tạo những bước cải cách có tính đột phá trong hoạt động tư pháp hình sự, trên quan điểm cơ bản của mô hình tố tụng hình sự nước ta hiện nay (mô hình thẩm vấn kết hợp với tranh tụng) có sự lựa chọn những yếu tố hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng chứ chưa phải đã chuyển hẳn sang mô hình Tố tụng hình sự tranh tụng. Đây là bước đi hết sức đúng đắn với lộ trình phù hợp; trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, chính trị- xã hội và đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm các nước, phát huy những ưu điểm vốn có của mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn, chọn lọc những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng.

Vấn đề tranh tụng đang gây nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo BLTTHS sửa đổi.

2. Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi lần này cơ bản đã đi đúng định hướng là tiếp tục duy trì những ưu điểm của mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn, cụ thể:

a) Tiếp tục phân chia chủ thể tố tụng thành chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng như quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Tiếp tục làm rõ các giai đoạn tiến hành tố tụng hình sự theo mô hình thẩm vấn kết hợp tranh tụng như: giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố, giai đoạn xét xử… thi hành án.

b) Tiếp tục khẳng định nhiệm vụ của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát là đi tìm sự thật vụ án, tìm kiếm cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội.

c) Tăng cường vai trò công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Dự thảo đã thể hiện rất rõ tinh thần Hiến pháp năm 2013 và theo hướng mô hình tố tụng thẩm vấn kết hợp với tranh tụng. Cụ thể: Viện kiểm sát không chỉ đóng vai trò là bên buộc tội trong tố tụng hình sự (mô hình tố tụng hình sự tranh tụng) mà Viện kiểm sát còn có chức năng thực hiện kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát việc tuân theo pháp luật, bảo đảm chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, chống làm oan người vô tội; bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự (mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn).

d) Tiếp tục xác định Tòa án có trách nhiệm trong việc xác định sự thật vụ án theo trình tự Tòa án nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa. Tại phiên tòa sang phần thẩm vấn của kiểm sát viên và người bào chữa mà thấy còn những vấn đề chưa rõ, chưa có cơ sở cho việc ra phán quyết thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu kiểm sát viên, người bào chữa thẩm vấn thêm hoặc trực tiếp tiến hành thẩm vấn bị cáo, nhân chứng và những người tham gia tố tụng khác…

Phát huy quyền tranh tụng là xu thế khách quan.

3. Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự  sửa đổi đã tiếp thu cơ bản những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng

a) Đã tiếp thu một số nguyên tắc “đặc trưng của tố tụng tranh tụng phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013 về đảm bảo quyền công dân, quyền con người và yêu cầu dân chủ … hoạt động tố tụng hình sự như nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội”.

b) Đã phân định rành mạch các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự như: buộc tội, bào chữa và xét xử.

c) Tạo lập cơ chế đảm bảo sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong việc thực hiện các chức năng buộc tội và bào chữa thông qua việc tạo điều kiện và đề cao vai trò của người bào chữa trong các giai đoạn tố tụng.

d) Quy định đầy đủ hơn các quyền và cơ chế đảm bảo thực hiện quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự; tạo các điều kiện để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và người bào chữa của họ, hoặc khi họ không có người bào chữa thực hiện quyền chứng minh vô tội hoặc giảm tội, giảm nhẹ hình phạt. Bổ sung “những biện pháp chế tài để xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm quyền của những người tham gia tố tụng nhất là vi phạm từ chính các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng”.

e) Cụ thể hóa chức năng xét xử của tòa án như Hiến pháp năm 2013 xác định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Trong hoạt động xét xử, Tòa án có trách nhiệm để các bên tranh tụng dân chủ tại phiên tòa, tôn trọng và lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bên, ra phán quyết trên cơ sở kết quả tranh tụng dân chủ tại các phiên tòa. Dự thảo đã bổ sung, chỉnh lý những nội dung về tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự giữa Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại và những người tham gia tố tụng khác. Quy định việc tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm. Đồng thời đã quy định nhiều nội dung về tranh tụng tại các phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm để đảm bảo tranh tụng dân chủ, bình đẳng, nghiêm minh giữa bên buộc tội và bên bào chữa

g) Đã phân định rõ hơn thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động tố tụng hình sự; tăng quyền và trách nhiệm cho những người trực tiếp tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán). Chuẩn hóa và bổ sung các chức danh Thanh tra viên, Kiểm sát viên và cán bộ điều tra và giao quyền thực hiện các hoạt động tố tụng một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam để họ chủ động thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi tố tụng và các quyết định tố tụng của mình.

4. Về một số vấn đề có ý kiến khác nhau đang tranh luận

Trước hết là chưa thể hiện rõ vấn đề thực hiện sự phân công, phối hợp và “kiểm soát” quyền lực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI và Hiến pháp năm 2013. Vấn đề kiểm soát quyền lực giữa tư pháp và hành pháp nhất là kiểm soát lại quyền lực tư pháp của quyền lực hành pháp trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự và trong nguyên tắc tranh tụng chưa quy định cụ thể.

Chưa có sự lựa chọn đúng những yếu tố hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng, đưa vào Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự một số vấn đề gây ra sự tranh cãi khó có hồi kết nếu không đi tới đúng bản chất của nó. Cụ thể:

Khác với mô hình tố tụng hình sự tranh tụng, việc phân chia các chủ thể tố tụng dựa vào tiêu chí là các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự: chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử, trên cơ sở đó hình thành các bên trong quan hệ tố tụng: bên buộc tội, bên gỡ tội và Tòa án trung lập. Trong khi đó đặc trưng và bản chất của mô hình tố tụng thẩm vấn là phân chia các chủ thể tố tụng thành 2 loại: chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng. Chủ thể tiến hành tố tụng bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án với các chức danh tố tụng cụ thể được xác định trong Dự thảo như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án… Chủ thể tham gia tố tụng bao gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bào chữa, người làm chứng, người giám định.

Về nguyên lý cơ bản của mô hình tố tụng thẩm vấn là: chủ thể tiến hành tố tụng được pháp luật trao trọn vẹn quyền chứng minh trong vụ án hình sự, được đòi quyền trong việc thu thập chứng cứ. Những người tham gia tố tụng chỉ có quyền cung cấp tài liệu, đồ vật đưa ra yêu cầu liên quan đến việc giải quyết vụ án… Vì thế nếu đã quy định phân ra chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng nhưng lại quy định cho các chủ thể tham gia tố tụng có quyền đưa ra chứng cứ thì sẽ hết sức mâu thuẫn và khó thực hiện được vì các tài liệu, tang vật để trở thành chứng cứ theo Điều 58 Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi chứng cứ là “những thông tin có thật từ các nguồn chứng cứ, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định…” phải qua quá trình chứng minh mà hoạt động chứng minh gồm các hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ nằm xác định 5 vấn đề theo Điều 75 của Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự thì người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo… không được quy định tiến hành các hoạt động chứng minh, không có điều kiện và cũng không thể chứng minh được. Ngay cả người bào chữa khó có thể thực hiện được và luật sư cũng chỉ được quy định cho người bào chữa có quyền đánh giá chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập được. 

Ngoài ra việc đưa vào dự thảo luật chế định quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu hồ sơ vụ án kể từ khi kết thúc điều tra bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến bào chữa khi họ yêu cầu cũng là việc lựa chọn chưa hợp lý, chưa thật đúng với bản chất của mô hình Tố tụng hình sự thẩm vấn kết hợp với tranh tụng. Bởi vì như trên đã nói, bản chất của mô hình tố tụng này là phân chia chủ thể tố tụng hình sự và với quy định chế định Viện kiểm sát không phải là cơ quan công tố đơn thuần. Viện kiểm sát trong Tố tụng hình sự Việt Nam và trong dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự lần này vẫn được khẳng định không chỉ đóng vai trò là bên buộc tội mà còn có chức năng kiểm soát hoạt động tư pháp. Khi đó Viện kiểm sát hoặc Tòa án sẽ là cơ quan xem xét các vấn đề liên quan đến việc hay các chứng cứ buộc tội, gỡ tội hoặc các tài liệu khác liên quan đến bào chữa khi bị can, bị cáo có yêu cầu. Kinh nghiệm của đa số các nước vấn đề này chỉ có trong mô hình Tố tụng hình sự tranh tụng và bị can, bị cáo, người bào chữa và ngay cả người nhà của bị cáo được đọc, sao chép tài liệu của Tòa án đã số hóa và đưa lên mạng trong, sau khi xét xử.

Dự thảo BLTTHS đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

5. Về biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt

Tôi cho rằng ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử không hẳn là biện pháp tố tụng nó là nguồn chứng cứ ghi nhận được qua các hoạt động nghiệp vụ, kỹ thuật, hành chính… Nó có thể được quy định cụ thể trong luật TTHS hoặc đa số là trong luật tổ chức hoạt động nghiệp vụ của các nước. Khi xây dựng Bộ luật TTHS theo mô hình TTHS tranh tụng phạm vi nội dung các biện pháp nghiệp vụ rất rộng, ví dụ Luật Tổ chức hoạt động nghiệp vụ của Liên bang Nga có đến 14 nội dung các biện pháp khác nhau. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ hơn để có đủ cơ sở khoa học đánh giá đúng vấn đề này.

Với những sự lựa chọn những hạt nhân chưa hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng để gắn vào mô hình thẩm vấn tranh tụng mà chưa có sự điều chỉnh tổng thể các quy định trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự chính đã tạo ra những ý kiến, quan điểm tranh luận khác nhau, không thống nhất được.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Phong Hòa
.
.
.