Góp ý Dự thảo Quy chế phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên

Chủ Nhật, 27/12/2015, 08:23
Ngày 26-12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý kiến vào Dự thảo Quy chế phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Tham dự hội thảo có đại diện sở, ban, ngành các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.


Dự thảo Quy chế phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên gồm 3 chương, 17 điều. Trong đó, các nội dung chính gồm: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; các nội dung phối hợp, nguyên tắc phối hợp trong xây dựng, ban hành, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật đối với thanh niên...

Ngoài ra, Quy chế cũng dành hai điều trong Chương II quy định rõ về trách nhiệm của các đơn vị phối hợp trong việc cung cấp thông tin, số liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về công tác thanh niên; Phối hợp trong kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Tại hội thảo, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới có Bộ riêng về thanh niên nhưng khi triển khai các vấn đề về chính sách thanh niên vẫn phải có sự phối hợp với các bộ, ngành khác.

Theo Luật Thanh niên do Quốc hội Việt Nam ban hành ngày 29-11-2005, thanh niên được Nhà nước đảm bảo nhiều quyền lợi, trong đó có quyền được học tập, vui chơi giải trí, lựa chọn việc làm và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, 10 năm qua, nhiều quy định trong Luật Thanh niên bộc lộ một số hạn chế, khó đi vào cuộc sống do thiếu cơ quan đầu mối hướng dẫn, không rõ trách nhiệm, vai trò trong thực hiện các vấn đề liên quan đến thanh niên.

Đóng góp ý kiến xây dựng Quy chế, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Công tác thanh niên, Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Luật Thanh niên còn nặng về tính động viên, tính hướng dẫn, nhiều chính sách cho thanh niên chưa được cụ thể, chi tiết, nhất là thiếu quy định về chế tài xử phạt nếu có vi phạm. Do đó, trong nội dung phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Quy chế, cần quy định các bộ, ngành cùng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, còn Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm chính.

Đồng tình với những góp ý trên, ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang cho rằng nội dung Quy chế cần làm rõ thẩm quyền quản lý nhà nước trong chỉ đạo các cơ quan đầu mối thực hiện quy chế.

PV
.
.
.