Giới trẻ ASEAN nghĩ gì về Cách mạng Công nghiệp 4.0 ?
Một khảo sát trên 64.000 công dân ASEAN do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện được công bố trong Diễn đàn mở WEF ASEAN 2018 diễn ra sáng 11-9 đã chỉ ra rằng, giới trẻ ASEAN rất lạc quan về việc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ giúp cải thiện thu nhập và mang lại nhiều việc làm hơn.
- Chủ tịch điều hành WEF: Đừng để con người phụ thuộc vào robot
- Ra mắt cuốn sách về Cách mạng Công nghiệp 4.0 của Chủ tịch WEF
- Khai mạc Hội nghị WEF ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại 4.0
- WEF ASEAN 2018 góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam
Ông Justin Wood, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, robot, xe tự lái sẽ mang đến sự đứt gãy trong thị trường việc làm. Không ai có thể biết được tác động của thời đại này lên công ăn việc làm và tiền lương. Trên toàn cầu, người ta lo ngại rằng sự thay đổi công nghệ sẽ làm tăng sự bất bình đẳng và thất nghiệp, nhưng ở ASEAN thì những "cảm xúc tích cực" về điều này hiển hiện rõ rệt hơn".
Tuy nhiên, theo khảo sát của WEF, 52% số người dưới 35 tuổi trên toàn Đông Nam Á được hỏi tin rằng, thời đại CMCN 4.0 sẽ mang lại số lượng việc làm lớn, đồng thời 67% số này cũng tin tưởng thời đại số là cơ hội để gia tăng thu nhập.
Tuy nhiên, mức độ lạc quan về tác động của thời kỳ 4.0 thay đổi ở các quốc gia khác nhau. Trong khi thanh niên Singapore và Thái Lan bày tỏ sự bi quan nhiều hơn thì giới trẻ Indonesia và Philippines lại lạc quan hơn. Ở Singapore, chỉ có 31% số người được hỏi tin là CMCN 4.0 sẽ giúp tăng số lượng việc làm, trong khi ở Philippines là 60%.
Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng thay đổi theo trình độ học vấn. 56% những người được hỏi có trình độ dưới đại học tin rằng thời kỳ 4.0 sẽ giúp gia tăng các cơ hội, câu trả lời này từ phía những người được hỏi có trình độ đại học trở lên chỉ ở mức 47%.
Ngoài ra, kết quả của khảo sát cho thấy việc làm tại các công ty đa quốc gia được xem là hấp dẫn nhất đối với giới trẻ bởi tính chất ổn định và rủi ro sẽ ít hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, tại Thái Lan và Việt Nam, giới trẻ có xu hướng làm việc cho chính mình, hay là khởi nghiệp từ sớm để nắm bắt thời cơ và tích lũy kinh nghiệm.
Santitarn Sathirathai, Chuyên gia kinh tế trưởng của Tập đoàn SEA chuyên về giải trí số và thương mại điện tử bày tỏ rằng ông rất ngạc nhiên khi giới trẻ ASEAN hứng thú với cái gọi là "tinh thần doanh nhân". Cụ thể là 25% số người được hỏi muốn tự khởi nghiệp. Ông nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay là tiếp tục áp dụng các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, để đảm bảo rằng các doanh nhân trẻ và các doanh nghiệp nhỏ có đủ các nguồn lực hỗ trợ, giúp họ có thể thành công trong tương lai.
Khảo sát cũng cho thấy, trên khắp ASEAN, giới trẻ dành trung bình 364 phút/ngày để online, với 61% thời gian dành cho giải trí và 39% thời gian cho hoạt động công việc. Trong các quốc gia được hỏi, thì giới trẻ Thái Lan dành nhiều thời gian để online nhất, với trung bình là 426 phút/ngày, thanh niên Việt Nam dành ít thời gian online nhất, là 310 phút/ngày .
Được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia hồi tháng 7, khi mới 25 tuổi, tham dự diễn đàn lần này, ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman nhấn mạnh: “Tương lai đang vô cùng sáng lạn và điều quan trọng nhất là giới trẻ sẽ tham gia vào quá trình thay đổi này như thế nào.
Tương lai của cuộc CMCN 4.0 sẽ được định nghĩa bởi những người trẻ như chúng tôi”. Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia cũng cho biết thêm rằng, từ năm 2001, Chính phủ Malaysia đã tập trung tạo ra một hành lang số, nỗ lực tạo ra một Thung lũng Sillicon và khuyến nghị thanh niên Malaysia chuẩn bị cho cuộc CMCN 4.0. |