Ra mắt cuốn sách về Cách mạng Công nghiệp 4.0 của Chủ tịch WEF

Thứ Ba, 11/09/2018, 10:50

Sáng 11-9, ngay trước khi Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 27 về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) khai mạc, WEF đã phát hành phiên bản tiếng Việt của cuốn sách mang tên “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”, được viết bởi GS Klaus Schwab - người sáng lập và là Chủ tịch điều hành WEF.


GS Klaus Schwab là người Đức và là nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới. Ông đã dành gần 16 năm nghiên cứu, chiêm nghiệm về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cho xuất bản cuốn sách cùng chủ đề vào đầu năm 2016. 

Thông điệp của GS Klaus Schwab muốn chuyển tải tới cộng đồng là những cơ hội có thể nắm bắt và thay đổi từ cách sống, làm việc và liên hệ với nhau. Cuộc cách mạng lần thứ tư có sự kết hợp của công nghệ trong lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo ra những khả năng mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. 

Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab (giữa), Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (ngoài cùng bên phải) trong buổi ra mắt cuốn sách về cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong cuốn sách của mình, GS Klaus Schwab nhấn mạnh, những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã giải phóng con người khỏi sức mạnh của loài vật, tạo ra sản xuất hàng loạt và mang lại sức mạnh kỹ thuật số cho hàng tỷ người.

Tuy nhiên, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư khác biệt về bản chất. Cuộc cách mạng này được hình thành bằng loạt công nghệ mới kết nối các thế giới vật chất, kỹ thuật số và sinh học, tác động đến tất cả mọi quy luật, nền kinh tế, ngành công nghiệp, và thậm chí thách thức cả định nghĩa về nhân loại.

Kết quả là những thay đổi và đột phá báo hiệu chúng ta đang sống tại một thời điểm đầy hứa hẹn và rủi ro. Thế giới có tiềm năng kết nối hàng tỷ người với mạng lưới kỹ thuật số, cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của các tổ chức, thậm chí quản lý tài sản theo cách có thể tái tạo môi trường tự nhiên và loại bỏ thiệt hại của những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.

Nhưng GS Klaus Schwab cũng đưa ra những lo ngại đáng chú ý như: các tổ chức có thể sẽ không thích ứng được; các chính phủ có khả năng không kịp thời tận dụng và quản lý các công nghệ mới để gặt hái lợi ích từ chúng; chuyển dịch quyền lực sẽ tạo ra mối lo mới về bảo mật; làm gia tăng bất bình đẳng và chia cắt xã hội...

Vì vậy Klaus Schwab kêu gọi các nhà lãnh đạo và người dân “cùng nhau định hình một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người bằng cách lấy con người làm trung tâm, trao quyền cho họ và không ngừng nhắc nhở chính mình rằng, tất cả những công nghệ mới này, trước hết và quan trọng nhất, là công cụ do con người tạo ra để phục vụ cho con người.”

Bằng việc thu thập, tổng hợp những ý tưởng, hiểu biết và trí tuệ từ mạng lưới toàn cầu những lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ, xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo trẻ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cuốn sách mới còn mang đến những nhìn nhận sâu sắc về tương lai đang dần hé lộ, và cách thức để con người có thể cùng chung tay đảm bảo rằng đó sẽ là một tương lai tích cực cho tất cả.

H.Chi - L.Đan
.
.
.