Giải quyết đơn tố cáo nặc danh, nên hay không?
- Tính hai mặt của đơn thư tố cáo nặc danh
- Không xem xét, giải quyết đơn tố cáo nặc danh
- Bị buộc thôi việc vì bị nghi viết đơn tố cáo nặc danh
Theo ĐBQH Bùi Văn Cường (Gia Lai), đối với tố cáo nặc có tình tiết, chứng cứ cụ thể thì phải xem xét. “Nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng mà ta triệt hạ đi một hình thức tố cáo thì không nên. Ví dụ những quy trình liên quan đến đấu thầu, xây dựng các dự án… còn vấn đề khuất tất thì chỉ những người trong cuộc mới biết; họ chụp, quay lại, có chứng cứ… thì mình phải xem xét chứ. Tại sao cứ cấm một kênh thông tin hết sức quan trọng” – Đại biểu lý giải, ông cho rằng việc xem xét đơn tố cáo nặc danh khi có chứng cứ sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, làm cho bộ máy trong sạch hơn.
ĐBQH Bùi Văn Cường thảo luận tại tổ chiều nay, 30-5 |
“Nếu không giải quyết đơn nặc danh thì có thể bỏ lọt thông tin. Ngược lại, những thông tin này có thể hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan điều tra” – ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nêu ý kiến.
Còn theo ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau), sở dĩ có tố cáo nặc danh bởi ngoài việc lợi dụng để gây rối, triệt hạ, vu khống người khác, có thể thấy một sự thật là người nặc danh sợ bị trả thù, bị trù dập, bị bức hại... nên họ mới chọn hình thức này. “Điều đó cũng cho thấy cơ chế bảo vệ pháp luật của chúng ta chưa đủ mạnh để bảo đảm quyền tố cáo của họ. Vì vậy, cần thừa nhận hình thức này” – ông nói.
Tuy nhiên ĐBQH tỉnh Cà Mau cũng cho rằng, tố cáo nặc danh chỉ có giá trị khi có đủ 1 trong 3 yếu tố: Thông tin tố cáo có những chi tiết chặt chẽ, có cơ sở về logic; phản ánh đúng sự thật, có liên quan trực tiếp đến người bị tố cáo; có chứng cứ tin cậy để khẳng định tố cáo đúng sự thật.
Trong khi đó, ĐBQH Phan Đình Trạc (Nghệ An) lại đồng tình cao với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật là không quy định giải quyết đối với tố cáo nặc dan.
“Thực tiễn tỷ lệ tố cáo sai rất lớn. Đây nên coi là thông tin tham khảo cho công tác quản lý, xử lý công việc của các cơ quan nhà nước chứ không phải là nằm trong quy trình giải quyết tố cáo, không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật tố cáo và không quy định trong luật này” – đại biểu nhấn mạnh.
Vấn đề tố cáo nặc danh thu hút nhiều đại biểu quan tâm thảo luận |
ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An) dẫn chứng con số đơn thư nặc danh không đúng sự thật rất nhiều. “Theo báo cáo của Chính phủ, cơ quan nhà nước chỉ giải quyết được hơn 87% đơn tố cáo, trong đó 28,3% là tố cáo có đúng có sai. Chứng tỏ đối với nặc danh tỷ lệ này cao hơn nữa. Cho nên để đảm bảo tính chịu trách nhiệm của người tố cáo trước quy định pháp luật và bảo đảm kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo tỷ lệ cao, đúng quy định pháp luật, đúng người, đúng vi phạm thì việc không xem xét tố cáo nặc danh là hợp lý”, ông nhận định.
Bên cạnh đó, quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự tại Điều 337, khoản 2; Điều 100; Điều 103 thì tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được xem như là tin báo tố giác tội phạm, và là nguồn tin để xác minh hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy không cần phải luật hoá tố cáo nặc danh, tránh làm rối thêm quá trình giải quyết tố cáo vốn đã phức tạp như hiện nay.
Tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá), Hồ Văn Niên (Gia Lai), Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) và nhiều đại biểu khác đều thống nhất việc bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hưu, đã chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức và coi đây là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết tố cáo đối với các đối tượng này.
ĐBQH Hồ Văn Niên (Gia Lai) cũng băn khoăn, khi người ta không tố cáo cán bộ công chức, viên chức nhưng lại tố cáo người nhà của cán bộ công chức, viên chức thì có nên đưa vào luật hay không? “Tố cáo đối với vợ chồng, con cái của người lãnh đạo một đơn vị nào đó chẳng hạn?” – ông nêu ví dụ.