Quốc hội thảo luận dự án Luật Tố cáo:

Tính hai mặt của đơn thư tố cáo nặc danh

Thứ Sáu, 12/11/2010, 10:21
Hiện hành, hai mảng khiếu nại và tố cáo được gộp vào một đạo luật, lấy tên là Luật Khiếu nại, Tố cáo. Tuy nhiên, dự án lần này tách khiếu nại, tố cáo thành hai đạo luật khác nhau.

Băn khoăn chủ thể tố cáo

Phiên thảo luận ở tổ cho thấy, có hai loại ý kiến: Tán thành chủ thể tố cáo là công dân như quy định trong Hiến pháp và Luật Khiếu nại, Tố cáo hiện hành. Loại ý kiến thứ hai đề nghị mở rộng chủ thể tố cáo không chỉ là công dân mà còn cả tổ chức.

Những ý kiến ủng hộ quan điểm này cho rằng, trên thực tế, có những trường hợp tổ chức vẫn đứng ra tố cáo. Hơn nữa, khi tổ chức đứng ra tố cáo sẽ phát huy được sức mạnh của tập thể, tố cáo có trọng lượng hơn và nội dung tố cáo cũng đa dạng hơn để yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết. Đây cũng là những nguồn tin quan trọng để đấu tranh phòng chống tham nhũng, hối lộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Tuy nhiên, cơ bản tán thành với quy định chủ thể tố cáo là công dân bởi tố cáo là hành vi làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân, chẳng hạn như trách nhiệm hình sự đối với trường hợp vu khống, bịa đặt. Vì vậy, không thể quy định chủ thể tố cáo là tổ chức sẽ không rõ trách nhiệm pháp lý trong các trường hợp này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, quy định chỉ cá nhân là chủ thể tố cáo cũng phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước ta đã được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành.

Đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng thừa nhận, chủ thể tố cáo nên quy định là công dân, bởi nếu trong trường hợp nhiều người tố cáo về một vấn đề thì có người đứng đầu đứng ra tố cáo. Việc tổ chức có quyền tố cáo là không phù hợp.

Quốc hội làm việc ở tổ.

Mở rộng hình thức tố cáo

Quy định hiện hành, những tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo được coi là đơn thư tố cáo nặc danh và sẽ không được xem xét, giải quyết.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, quá trình soạn thảo dự luật này, Thanh tra Chính phủ nhận được nhiều ý kiến. Trong đó, có không ít tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo thì nội dung tố cáo có phần vu cáo, vu khống, việc xác định trách nhiệm và xử lý đối với người vi phạm rất khó khăn. Vì vậy, Luật Khiếu nại, Tố cáo hiện hành không điều chỉnh về vấn đề này mà quy định đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo. Tuy nhiên, trên thực tế có những người tố cáo đúng sự thật nhưng lại không dám ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình khi tố cáo vì sợ bị trù dập, ảnh hưởng quyền lợi bản thân.

Từ thực tế đó, một số ý kiến đề nghị cần quy định đối với  tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết. Do đây là vấn lớn, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận kỹ tại hội trường và lấy ý kiến đại biểu trước khi quyết định cụ thể.

Khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật quy định các hình thức tố cáo bao gồm tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo, tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ thì người tố cáo có thể dùng nhiều hình thức khác nhau để thực hiện việc tố cáo tới các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh các hình thức tố cáo truyền thống như hình thức tố cáo trực tiếp hoặc tố cáo qua đơn thư như lâu nay thì cũng cần mở rộng đối với các hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax. Vấn đề này phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin hiện nay

Khẳng định hiệu quả việc khai thác Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Cũng trong ngày 11/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia - dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đây là báo cáo được Chính phủ trình Quốc hội, kiến nghị xem xét công nhận kết thúc việc xây dựng công trình quan trọng Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất và giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán, vận hành an toàn, hiệu quả. Theo báo cáo, dự án lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam đã được Tổng cục Dầu khí Việt Nam cùng các đối tác nước ngoài bắt đầu nghiên cứu từ năm 1997. Ngày 5/12/1997, Quốc hội khóa X thông qua Nghị quyết xác định đây là công trình quan trọng quốc gia.
Đầu năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất theo hình thức tự đầu tư. Năm 2005, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 44 về việc tập trung chỉ đạo xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sau gần 4 năm triển khai xây dựng, ngày 22/2/2009, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sản xuất ra dòng dầu đầu tiên. Ngày 29/5/2010, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã nghiệm thu công trình, sau đó nhà máy chính thức được bàn giao đi vào vận hành thương mại, hiện đang vận hành an toàn, ổn định 100% thiết kế.  
Theo đánh giá của Chính phủ, trong quá trình thực hiện dự án đã phát sinh một số khối lượng công việc tương đối lớn so quyết định đầu tư ban đầu năm 1997. Về chất lượng công trình, tất cả hạng mục công trình hoàn thành xây dựng chạy thử, nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư, bảo đảm chất lượng theo đúng tiêu chuẩn dự án, công tác quản lý chất lượng trong quá trình thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử, chạy nghiệm thu đã được coi trọng và thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Việt Nam, đáp ứng chuẩn mực quốc tế, các chứng chỉ cho dự án đã được các cấp có thẩm quyền cấp. 
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, về tiến độ dự án, do phải chuyển đổi hình thức đầu tư nhiều lần nên phải tốn thời gian để giải quyết các vấn đề pháp lý và ổn định tổ chức, công tác chỉ đạo, điều hành có lúc chưa quyết liệt, năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư còn hạn chế. Từ năm 2005 tới nay, tiến độ dự án cơ bản đáp ứng. Tuy nhiên, từ tháng 2/2009, khi nhà máy lọc dầu cho ra dòng sản phẩm đầu tiên thì tiến độ nghiệm thu, bàn giao nhà máy bị chậm khoảng 7 tháng so hợp đồng do sự cố hỏng van bít. Tổng mức đầu tư có chênh lệch khá lớn so quyết định đầu tư trước đây (từ 1.500 triệu USD tăng lên 3.053 triệu USD).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh tái khẳng định tầm quan trọng của dự án đối với an ninh năng lượng quốc gia. Ông cũng chỉ ra 4 tồn tại của dự án, trong đó có việc chậm tiến độ 9 năm so Nghị quyết năm 1997 của Quốc hội. Dù nhà máy đã vận hành 100% công suất nhưng vẫn còn một số tồn tại nhỏ về kỹ thuật, công tác di dân, tái định cư…

P.Đăng - Đ.Tuấn
.
.
.