Gần 9 triệu lượt người Việt Nam xuất cảnh mỗi năm

Thứ Năm, 21/11/2019, 13:49

Ngày 21-11, tại Hà Nội, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp cùng Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 11-2019.

Ông Đinh Văn Trình báo cáo về thực trạng, tình hình mua bán người thông qua di cư trái phép. 

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan: Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền; Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã báo cáo tình hình công tác nhân quyền trong tháng 10; đề xuất một số nội dung tuyên truyền trên báo chí về chủ trương và pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thực trạng tình hình và giải pháp nâng cao phòng chống mua bán người thông qua di cư trái phép.

Thượng tá Đinh Văn Trình, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 6 triệu lượt người Việt xuất cảnh ra nước ngoài và khoảng 6 triệu người Việt nhập cảnh về nước theo đường chính thức. Nếu tính cả số người xuất nhập cảnh không chính thức qua biên giới đường bộ (di cư trái phép) hàng năm, số lượt người Việt Nam xuất hoặc nhập cảnh đều khoảng 9 triệu người (10% tổng dân số cả nước), trong đó, đáng chú ý nổi lên tình hình người Việt Nam di cư ra nước ngoài có liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người. Di cư vì mục đích kinh tế, du học, di cư vì mục đích kết hôn hay do người nước ngoài nhận con nuôi Việt Nam.

Những trường hợp di cư trái phép vì mục đích kinh tế có thể gặp nhiều nguy hiểm, không được pháp luật bảo vệ, dễ bị bắt cóc, lạm dụng hoặc trở thành nạn nhân của mua bán người. Điển hình như vụ việc phát hiện và xác định 39 thi thể người có quốc tịch Việt Nam trong xe container ở Anh.

Về thực trạng, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người thông qua di cư trái phép ra nước ngoài:

Từ đầu năm 2016, phát hiện hơn 1.200 vụ với 1.600 đối tượng, lừa bán 2.800 nạn nhân, trên 90% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc, trong đó sang Trung Quốc chiếm 75%. Các đối tượng nước ngoài vào Việ Nam câu kết với cò mồi, môi giới tổ chức nhiều vụ đưa người ra nước ngoài lao đọng, khi đến nước sở tại, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương…Cơ quan chức năng phát hiện nhiều đường dây có sự cấu kết, phân công chặt chẽ với các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc),Trung Quốc, Malaysia, Singapore hay Hàn Quốc…với các đối tượng người Việt Nam lừa phụ nữ bán ra nước ngoài dưới dạng môi giới hôn nhân tái phép.

Thời gian gần đây, đối tượng phạm tội lợi dụng chính sách mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cản, việc cấp hộ chiếu công dân, giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực nên đói tượng phạm tội tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội. Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh lực lượng lao động Việt Nam dồi dào, khả năng tạo việc làm trong nước còn hạn chế. Chủ trương này được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Quốc hội, trong Luật Lao động, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể. Năm 2014 là 104 nghìn người, đến năm 2018 là 143 nghìn người; 10 tháng đầu năm 2019 là 120 nghìn người.

Ông Nguyễn Gia Liêm cũng cho biết, lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những hoạt động có tính chất nhạy cảm, không chỉ liên quan trực tiếp đến người lao động, các doanh nghiệp, các cơ quan, ban ngành và đoàn thể trong nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan nước ngoài, thậm chí là quan hệ giữa Việt Nam và các nước có liên quan.

Duy Tiến
.
.
.