Đừng nghĩ tăng tuổi nghỉ hưu là tham quyền cố vị
- Đại biểu Quốc hội yêu cầu không nâng tuổi hưu Kiểm sát viên
- Để quỹ thất thu lớn, không thể thay thế bằng tăng tuổi hưu
- Tăng tuổi hưu vì sợ “vỡ quỹ lương” là không xác đáng
- Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng ý nâng “đồng hạng” tuổi hưu
- Không kéo dài tuổi hưu của viên chức
- Lợi ích của việc kéo dài tuổi hưu
Dự kiến, năm 2017, khi trình Quốc hội Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Giải pháp này nhằm ứng phó nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội, tình trạng già hóa dân số ngày càng nhanh…
Tuy vậy, xung quanh câu chuyện này cũng đang có không ít ý kiến. Chuyên mục Trò chuyện Chủ Nhật tuần này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (KHLĐXH) về vấn đề này.
PV: Thưa PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương, dự kiến tới đây phương án tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được Bộ LĐ- TBXH đề xuất khi trình Quốc hội Bộ luật Lao động sửa đổi. Là người nhiều năm làm công tác nghiên cứu về lao động việc làm, theo bà, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu này sẽ được lý giải như thế nào?
PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương: Mô hình nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi về hưu đã áp dụng từ rất lâu rồi, nhưng từ khi áp dụng mô hình đó, tuổi thọ trung bình của chúng ta còn rất thấp. Nó quan hệ với nhau như thế nào? Trong thời gian người đó đi làm, đóng BHXH, sau khi nghỉ hưu thì hưởng BHXH. Giả định mọi chuyện vẫn giữ nguyên, nhưng tuổi thọ trung bình lại tăng lên (vì chính sách lương hưu này áp dụng từ lúc bình quân tuổi thọ mới 60 nay đã tăng lên 73 tuổi). Tuổi thọ tăng lên 13 tuổi, nhưng vẫn giữ mức đóng như thế thì lấy tiền đâu ra để trả BHXH. Do đó, đứng về mặt Quỹ BHXH phải có thời gian tương quan với nhau.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương. |
PV: Như thế có nghĩa dân số già hóa đang tác động mạnh đến Quỹ BHXH, làm cho quỹ này mất cân đối thu chi. Bà có thể nói cụ thể hơn về tác động này?
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Quỹ BHXH của chúng ta là tọa thu tọa chi, tức là tiền đóng của những người trẻ nuôi những người về hưu. Trước đây từ những năm 1960, 25 người đóng cho 1 người hưởng. Khi dân số già hóa, tỷ lệ người trẻ thấp đi, tỷ lệ người già tăng lên, dự kiến đến năm 2040, nước ta chính thức bước vào quá trình già hóa dân số với tỷ lệ người già trong tổng dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 25%. Đây là theo dự báo, có nghĩa mô hình là trước 25 người đóng cho 1 người hưởng, nay giảm xuống còn 9 người đóng cho 1 người hưởng, đến 2040 thì sẽ là 2 người đóng cho 1 người hưởng. Với mô hình già hóa dân số như thế nếu không điều chỉnh tuổi về hưu thì anh lấy đâu ra tiền để cho tất cả những người về hưu có lương hưu trí.
PV: Bàn về câu chuyện đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo như bà nói, dự báo đến năm 2040 do dân số già hóa thì lúc đó 2 người đóng cho 1 người hưởng. Rất nhiều người đang lập luận rằng, bản thân những người về hưu họ cũng đã có quá trình đóng. Họ về hưu là họ hưởng cái phần họ đã đóng?
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Suy nghĩ này bắt nguồn từ việc nhiều người chưa hiểu rõ về lương hưu, về quỹ BHXH của chúng ta hiện tại. Quỹ của chúng ta là tọa thu, tọa chi. Người đi làm đóng có 30% tiền lương trung bình, nhưng về hưu hưởng 75% tiền lương trung bình. Tại sao? Tại vì đang có nhiều người khác đóng cho mình. Còn nếu theo ý hiểu đơn thuần là tôi đóng BHXH lúc đi làm, tôi về hưu tôi hưởng phần của tôi đã đóng, thì lúc đi làm anh đóng 30%, đến lúc về hưu anh cũng chỉ được hưởng có 30% chứ không phải 75%. Kiểu đó giống như quỹ tích lũy, nếu như bỏ vào đó bao nhiều tiền gửi tiết kiệm, sau đó chỉ hưởng bằng đó. Còn tại sao về hưu hưởng 75% là có số chênh lệch giữa số người đóng và số người hưởng.
PV: Đó là câu chuyện về Quỹ BHXH, tuy vậy trong câu chuyện nâng tuổi hưu này, có ý kiến nói rằng, những người đã đến tuổi ngoài 60 thì nên nghỉ hưu bởi khả năng làm việc cũng đã giảm, năng suất lao động cũng kém hơn. Bà nghĩ thế nào về ý kiến này?
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Khi muốn tính một người nào đó có ích hay không ta phải xem xét từ nhiều góc độ. Đứng về mặt kinh tế học, từ 0 đến 15 tuổi không làm được gì hết, đi học bố mẹ phải nuôi thì phần sản xuất coi như là âm. Đến 55, 60 tuổi về hưu cũng không sản xuất nữa, cũng âm. Đây là đường thu nhập của một đời người. Đường chi tiêu thì từ lúc sinh ra đã phải chi tiêu. Một xã hội tồn tại phải có thặng dư của những người trong độ tuổi lao động. Người ta sản xuất ra một lượng lớn hơn cái tiêu dùng. Cái thặng dư đó sẽ phân bố cho khoảng thời gian trước 15 tuổi và sau khi về hưu. Người lao động đang đi làm bình thường nhưng đến tuổi nghỉ hưu hiện đang tính theo mô hình trung bình 58 tuổi nghỉ thì là xã hội mất hay được? Quỹ BHXH phải chi trả phần lương hưu, người ta cũng mất thu nhập để tạo ra giá trị thặng dư. Thì đó rõ ràng là xã hội bị mất chứ chẳng được gì.
PV: Tôi đã nghe có ý kiến rằng, tuổi nghỉ hưu quy định ví dụ là 60, nếu đề xuất nâng tuổi hưu được chấp thuận có thể còn cao hơn, nhưng người ta chỉ muốn làm đến 45 tuổi rồi về hưu thôi thì sẽ thế nào?
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Ở các nước phân biệt tuổi về hưu và tuổi hưởng hưu. Về hưu là quyền lao động của người ta. Quy định là 60 tuổi nhưng 55 tuổi người ta có quyền xin về hưu. Ở các nước người ta không khuyến khích về hưu thì người ta phạt, còn ở Việt Nam, chưa đến tuổi có thể về hưu mà khấu trừ. Do đó phải phân biệt ra tuổi về hưu và tuổi hưởng hưu. Bên cạnh đó còn phải phân biệt tuổi về hưu của một đời người khác với tuổi về hưu của một nghề. Nhiều ý kiến cứ cho rằng, nghề cạo mủ cao su chẳng hạn phải về hưu sớm hơn… Thế thì nghề múa người ta chỉ 30 tuổi đã về hưu sao? Vận động viên 20 tuổi đã không thi đấu được nữa chẳng lẽ lúc đó đã về hưu? Về hưu của một nghề khác hoàn toàn với về hưu của một đời người. Đời người phải tính trên cả quỹ đóng, quỹ hưởng. Còn nghề thì phải chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nâng cao. Ví dụ như nghề cạo mủ cao su, không cho 40 tuổi cạo mủ nữa thì phải đào tạo để chuyển sang việc khác.
PV: Đã có ý kiến đặt ra vấn đề rằng, nâng tuổi nghỉ hưu, kéo dài độ tuổi lao động có thế chiếm mất việc làm của người trẻ. Bà suy nghĩ gì trước ý kiến này?
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi có thể khẳng định rằng trong tất cả các nghiên cứu trên thế giới, cũng như của chúng tôi, không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh được là kéo dài tuổi về hưu cho những tầng lớp tạo ra giá trị gia tăng là làm mất việc làm của giới trẻ, thậm chí còn ngược lại. Vấn đề là lựa chọn người ở lại, ai ở được ai không. Ví dụ 1 bà giám đốc nhưng không có năng lực, thì tốt nhất nên nghỉ, nhưng khi bà ấy nghỉ cũng chỉ trống ra được 1 chỗ, mà tất nhiên là chỗ đó giới trẻ cũng không thể nào vào được. Bởi thị trường lao động là một thị trường phân mảng rất rõ ràng.
Ví dụ thế này, một bác sĩ ở bệnh viện nhà nước đến tuổi về hưu. Nếu về hưu thì chỉ thừa có 1 chỗ, nhưng bác sĩ đó tiếp tục làm cho bệnh viện ngoài công lập khác. Vì có bác sĩ đó, sẽ có 100 bệnh nhân đó đến khám, từ có 100 bệnh nhân đó, mới cần 10 bảo vệ thay vì 2 người như trước. Đáng ra chỉ cần 10 y tá nhưng bệnh nhân tăng lên thì cần thêm thành 20 y tá. Vậy thì bác sĩ đó tạo ra việc làm hay lấy đi việc làm của người khác? Giả dụ để bác sĩ ấy ở lại khu vực nhà nước, thì bác sĩ ấy có ngồi hay không ngồi đó, bệnh viện lúc nào cũng quá tải cho nên người ta không thấy bác sĩ ấy quan trọng. Tại sao khu vực tư nhân có thể trả cao hơn rất nhiều để bác sĩ ấy về làm ở đó. Đó là tính lan tỏa của người đó.
PV: Quan điểm cá nhân của bà về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Quan điểm của tôi là nó có tính khách quan. Và là yêu cầu cần thiết. Giống như trẻ con, 3 tháng phải biết lẫy, 7 tháng phải biết bò, 9 tháng thì phải lò dò chạy đi. Đó là cái tất yếu. Với cái mô hình dân số đáy rộng như của chúng ta hiện nay. Trước đây 40% dưới 23 tuổi, bây giờ chỉ còn 23%. Do vậy chính sách về hưu phải theo mô hình dân số. Bên cạnh đó nó còn phụ thuộc vào giá trị thặng dư nữa. Tuổi về hưu là một vấn đề kinh tế xã hội, nó không đơn thuần như mọi người nghĩ là một người ở lại là “tham quyền cố vị”.
PV: Tuy nhiên về ý này người ta nói rằng, rất khó để đánh giá được ai là người cần ở lại, ai không?
PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi phải thừa nhận một điều là khi ông trưởng ở lại, ông phó không lên được nhưng vấn đề là ông trưởng ở lại, ông phó không lên được thì chỉ ảnh hưởng đến mình ông phó đó. Vậy nhưng ông trưởng ở lại tạo ra được nhiều giá trị xã hội thì sẽ làm lợi được cho rất nhiều người. Vấn đề cần nhắc tới đó là việc phải đánh giá được người nào ở lại mà có đóng góp nhiều cho xã hội và tạo ra được các giá trị thặng dư. Điều chúng ta cần là hệ thống tổ chức và các tiêu chí minh bạch để đánh giá vấn đề này. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan đơn vị mà còn là trách nhiệm của xã hội. Đề cập thêm về việc nâng tuổi hưu còn cần tính toán là nếu tăng tuổi hưu sẽ cần có lộ trình tăng dần trong nhiều năm, mỗi năm chỉ tăng 2-3 tháng; mỗi lần tăng nữ sẽ tăng nhiều hơn nam để đảm bảo tới mốc nào đó, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau. Lộ trình tăng có thể 5-10 năm, thậm chí 15 năm.
Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương!