Đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của ASEAN
- Thủ Tướng khởi động mạng lưới Logistics thông minh ASEAN
- Khởi động mạng lưới logistics thông minh ASEAN
- Hải quan thúc đẩy chuyển đổi số chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics
- Giải điểm nghẽn chi phí cao trong logistics
- Thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực ngành logistics
Với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của hơn 50 tổ chức quốc tế, hơn 500 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics, sản xuất, xuất nhập khẩu và các bộ ngành liên quan.
Công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2020 |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tính chung trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bưu chính, chuyển phát, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng tới trên 30.000 DN. Trong đó, chủ yếu là DN vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống (59,02%). Tiếp đó là DN kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%). Còn lại là DN vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và DN bưu chính chuyển phát (2,34%). Cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, trong thời gian vừa qua dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14%. Tỷ lệ DN thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn |
Đại dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 1-2020 đã tác động đến hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, gây ra tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, trong đó phải kể đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngừng trệ của hoạt động logistics đến nay vẫn chưa phục hồi lại được hoàn toàn. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và DN trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, đồng thời tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... nên đã phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được ổn định. Điều này đã phần nào phản ánh qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 10 tháng năm 2020 ước đạt 439,8 tỷ USD, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019.
Phiên thảo luận cấp cao tại diễn đàn |
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFA và sắp tới là RCEP sẽ tác động tích cực đối với việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, DN và của nền kinh tế nhờ vào việc tiếp cận thị trường xuất khẩu có sự ưu đãi về thuế quan, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại. Các hiệp định này có thể tác động tới việc cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải, cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ.
Tại diễn đàn, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, ngành logistics Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, với mô 40 - 42 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí logistics hiện nay còn cao. Đối với Hà Nội, hiện nay, các doanh nghiệp logistics mới đáp ứng 25% nhu cầu của thành phố. Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistics.
Chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, thời gian tới, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, DN, chuyên gia, nhà khoa học, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, đồng thời, nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện để ngành dịch vụ logistics phát triển.
“Tôi đề nghị các hiệp hội, DN trong ngành dịch vụ logistics chủ động đổi mới mô hình, hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, nắm bắt thông tin thị trường để có giải pháp huy động nguồn lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh. DN Việt Nam nên chủ động tìm kiếm, liên kết với các DN quốc tế có uy tín để cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics”, Phó Thủ tướng kết luận.