Đưa 'Rồng Việt Nam' bay cao trên bản đồ công nghệ vũ trụ thế giới

Thứ Hai, 21/01/2019, 20:17
Chiều 21-1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt nhóm kỹ sư, các nhà khoa học trẻ, những người đã chế tạo thành công vệ tinh MicroDragon, một bước tiến quan trọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia nằm trong top đầu của khu vực về công nghệ vệ tinh.

Dự cuộc gặp mặt có lãnh đạo Trung tâm vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VNSC).

Cách đây 3 ngày (18-1), vệ tinh MicroDragon đã được tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản phóng vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian. Sau khi phóng một ngày, ngày 19/1, vệ tinh MicroDragon đã có 3 lần liên lạc với trạm mặt đất tại ISAS/JAXA và trung tâm điều khiển tại Đại học Tokyo. Ở những tín hiệu vệ tinh gửi về đầu tiên, các thiết bị trên vệ tinh hoạt động bình thường theo thiết kế. Theo kế hoạch, vệ tinh sẽ đi vào trạng thái hoạt động ổn định trong khoảng từ một đến hai tuần tới.

Vệ tinh MicroDragon được thiết kế, chế tạo bởi 36 nghiên cứu viên, ở lứa tuổi 30, là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản.

Tại cuộc gặp mặt với Thủ tướng, các nghiên cứu viên, nhà khoa học trẻ cho biết, đến thời điểm này, các thông số hoạt động của vệ tinh rất ổn định và khẳng định, đã làm chủ được công nghệ phát triển vệ tinh quan sát Trái đất cỡ nhỏ, loại 50 kg. Trong quá trình chế tạo vệ tinh, nhóm đã tự nghiên cứu, xác định mục đích hoạt động, nhiệm vụ của vệ tinh, thiết kế, thử nghiệm, tích hợp cũng như kiểm tra hoạt động của vệ tinh trước khi phóng lên quỹ đạo.

Dựa trên nền tảng đó, thành viên dự  án mong muốn tiếp tục tạo điều kiện nghiên cứu, làm chủ những công nghệ phát triển vệ tinh lớn hơn trong tương lai, cụ thể là vệ tinh cỡ 500 kg.

Tuy nhiên, thành viên dự án cho biết, hiện nay chúng ta đang nhờ trạm mặt đất ở Nhật Bản hỗ trợ việc thu phát tín hiệu, dữ liệu hoạt động của vệ tinh. Vì vậy, nhóm mong muốn trong tương lại gần Việt Nam có thể xây dựng trạm mặt đất để kỹ sư Việt Nam chủ động trong việc vận hành, khai thác vệ tinh. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Một mong muốn mà thành viên dự án chia sẻ là hợp đồng với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có thời gian 10 năm và sẽ hết hạn trong một vài năm tới. Các kỹ sư trẻ gọi đây là tình trạng “chuyển nhượng tự do”. Nhóm mong muốn được Chính phủ tạo điều kiện qua các dự án vệ tinh quy mô lớn hơn và có chính sách để các nghiên cứu viên yên tâm công tác, cống hiến lâu dài cho ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam.

Nhìn nhận đây là vệ sinh quan sát Trái đất lớp micro đầu tiên chính thức do đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam chế tạo, tích hợp, là thành tựu quan trọng mở đầu cho bước tiếp theo về công nghệ vũ trụ ở Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, điều này khẳng định các kỹ sư trẻ của Việt Nam đã làm chủ và sẵn sàng chế tạo, phát triển vệ tinh dưới 50 kg tại Việt Nam. Đây là tiền đề cho việc sẵn sàng tiếp nhận công nghệ phát triển vệ tinh quan sát Trái đất thương mại trong tương lai.

“Nghe được tin này, tôi rất vui mừng, nhất là thấy các em trẻ tuổi được đào tạo, rèn luyện thành cán bộ công nghệ, khoa học vũ trụ lớp đầu tiên của nước ta”, Thủ tướng nói và biểu dương, chúc mừng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VNSC) và nhóm kỹ sư trẻ của Viện.

Ghi nhận các ý kiến tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và duy trì ngọn lửa đam mê, khát vọng nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến của các nhà khoa học công nghệ vệ tinh trẻ để “chúng ta có bước phát triển mới tốt hơn nữa trong công nghệ vũ trụ của Việt Nam”. Thủ tướng cho biết, sẽ có chương trình, chính sách phát triển công nghệ vũ trụ, một lĩnh vực mới mẻ, non trẻ của Việt Nam, đặc biệt là đào tạo cán bộ.

Các bạn trẻ chế tạo thành công vệ tinh 50 kg MicroDragon đã minh chứng cho việc tiếp bước truyền thống của người Việt Nam, không chỉ trong khám phá các vùng đất mới, các vùng biển xa mà còn khám phá, khẳng định chủ quyền trên không gian, khẳng định năng lực nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ của người Việt Nam, đặc biệt trong cuộc cách mạng 4.0. Việc làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất cỡ 50 kg đã giúp Việt Nam sánh vai cùng các nước hàng đầu ASEAN về khả năng tự chế tạo vệ tinh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, đây mới là bước đầu khi mà hạ tầng, đội ngũ còn mỏng. Việc phóng hay thu phát số liệu, dữ liệu đều ở Nhật Bản. “Thế nên chúng ta suy nghĩ làm sao phát triển công nghệ vũ trụ, trước hết là phóng những vệ tinh phục vụ cho quốc kế dân sinh, cho thương mại… phải được Việt Nam làm chủ”, Thủ tướng lư ý và bày tỏ hy vọng “các bạn trẻ, lứa tuổi 30 ở đây tiếp nối tinh thần dám đương đầu với thử thách công nghệ, để góp phần làm cho hình ảnh Rồng Việt Nam bay cao trên bản đồ công nghệ vũ trụ thế giới”.

Thủ tướng đồng ý về chủ trương đối với đề nghị của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về phát triển hạ tầng công nghệ vũ trụ ở Việt Nam mà điều đầu tiên là có trạm điều khiển, thu nhận, điều khiển vệ tinh. Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng xem xét, quyết định dự án công nghệ vũ trụ ở Việt Nam.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Việt Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần chú ý hơn nữa công tác đào tạo, tạo điều kiện cho cán bộ trong công tác, nghiên cứu, “chứ không phải để tình trạng chuyển nhượng tự do” như ý kiến nhóm chế tạo vệ tinh nêu ra. 

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có chính sách phù hợp để đào tạo cán bộ khoa học công nghệ vũ trụ cho nước ta để tiến tới những bước tiến tốt hơn, xa hơn trong công nghệ vũ trụ.

Được biết, MicroDragon là một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất” (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam). Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ "Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm một vệ tinh micro (khối lượng khoảng 50 kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản".

Theo chinhphu
.
.
.