Phóng vệ tinh Micro Dragon của Việt Nam vào ngày 17-1-2019

Thứ Sáu, 07/12/2018, 06:59
PGS,TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học-công nghệ Việt Nam) cho biết: Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã quyết định phóng vệ tinh Micro Dragon của Việt Nam lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon 4, vào 7h50’’20’ đến 7h59’’37’, ngày 17-1-2019 tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura (Nhật Bản).


Trong lần phóng này, cùng với Micro Dragon của Việt Nam (do Đại học Keio đứng tên phóng) còn có 6 vệ tinh khác. Đó là vệ tinh RAPIS-1, nặng 200kg của JAXA; vệ tinh RISESAT nặng 60kg của Đại học Tohoku; vệ tinh ALE1 nặng 68kg của Công ty ALE và 3 vệ tinh lớp Cubesat của Học viện Công nghệ Tokyo (3U, nặng 4kg), Học viện Công nghệ Kyushu (2U, nặng 3kg) và Đại học Nihon (1U, nặng 1kg).

Các vệ tinh này sẽ được tách khỏi tên lửa đẩy ở những độ cao khác nhau, trong đó vệ tinh Micro Dragon sẽ được tách ở độ cao hơn 510km.Vệ tinh Micro Dragon có kích thước 50x50x50 cm với khối lượng khoảng 50kg.

Sau khi được phóng lên quỹ đạo, Micro Dragon có nhiệm vụ quan sát chụp ảnh vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ, phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy hải sản ở nước ta.

Mặt khác Micro Dragon cũng có nhiệm vụ phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ công tác hiệu chỉnh khí quyển; thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này đến các địa điểm cách xa nhau trên Trái đất.

Đây là một dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất cho mục tiêu đào tạo tại các nước đang phát triển của JAXA. Vệ tinh Micro Dragon là kết quả học tập, nghiên cứu và chế tạo của 36 thạc sĩ thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản từ các năm 2013 đến 2017.

Theo PGS,TS Phạm Anh Tuấn, sau Micro Dragon, Việt Nam đang phối hợp các chuyên gia Nhật Bản để nghên cứu, chế tạo vệ tinh LOTUsat-1 và LOTUsat-2.

Đây là các vệ tinh nhỏ quan sát trái đất theo công nghệ ra đa tiên tiến (chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết) với kích thước 1,5mx 1,5m x3m, khối lượng khoảng 500-600 kg và hoạt động trên quỹ đạo 5 năm. Kế hoạch phát triển vệ tinh LOTUsat-1 và LOTUsat-2 sẽ được tiến hành tại Nhật Bản và Việt Nam từ 2020 đến 2022.

Nguyễn Khôi
.
.
.