Đối ngoại Quốc hội là một trụ cột trong nền ngoại giao Việt Nam
- Các nhà ngoại giao phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo
- Chủ tịch nước yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy về đối ngoại
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm"
- Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả
- Ngoại giao phục vụ phát triển đồng hành cùng doanh nghiệp
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc Hội nghị Ngoại giao lần này đã bố trí một phiên riêng để cùng trao đổi về hoạt động đối ngoại Quốc hội với chủ đề “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là sự khẳng định vai trò quan trọng của đối ngoại Quốc hội như một trụ cột trong nền ngoại giao Việt Nam và những đóng góp tích cực, hiệu quả của hoạt động đối ngoại quốc hội trong sự nghiệp chung của đất nước thời gian vừa qua, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải tăng cường phối hợp và phát huy hoạt động đối ngoại qua kênh quốc hội trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đã chỉ ra 4 điểm chính mà công tác đối ngoại có liên quan, trong đó nổi bật là việc bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực thời gian qua, đặc biệt là trong hai năm gần đây có sự biến động phức tạp và nhanh hơn, các nước lớn đều thể hiện sự quyết liệt và quyết đoán hơn; tốc độ tăng trưởng, phục hồi kinh tế được đánh giá khá tích cực, nhưng xu thế tăng trưởng này đang bị tác động mạnh bởi bảo hộ thương mại, trào lưu dân túy. Điều đáng lo ngại, các nước lớn chủ trương gia tăng sử dụng các biện pháp kinh tế xem đó như một trong những công cụ cạnh tranh chiến lược, răn đe, trừng phạt lẫn nhau khiến nguy cơ chiến tranh thương mại.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị. |
"Trước những vận hội và thách thức mới, khả năng thích ứng cũng như kỳ vọng của mỗi người dân là động lực quan trọng thúc đẩy những điều chỉnh và thay đổi này, đòi hỏi chính phủ và quốc hội các nước trong đó có Việt Nam phải đổi mới, có biện pháp hiệu quả, phù hợp. Điều này cũng thể hiện rất rõ qua các diễn biến tại các diễn đàn nghị viện đa phương", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong thời gian qua, Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đối ngoại trong hệ thống chính trị, đặc biệt là Chính phủ mà đầu mối là Bộ Ngoại giao trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu của nước ta với các nước.
Bên cạnh tính chính thống trong triển khai đối ngoại với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đối ngoại Quốc hội còn có đặc thù riêng xuất phát từ tính đại biểu, đại diện cho cử tri và do cử tri bầu ra của các Đại biểu Quốc hội. "Do đó, trong một số hoàn cảnh, tình huống, đối ngoại Quốc hội đã đảm nhiệm hiệu quả vai trò tiên phong, thăm dò, mở đường để phát triển quan hệ, cũng như xử lý những vấn đề có vướng mắc mà các kênh khác gặp khó khăn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cụ thể hóa nội dung này, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Quốc hội Việt Nam đã tham gia hầu hết các diễn đàn nghị viện đa phương trong khu vực và trên thế giới, thể hiện hình ảnh là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; các đại biểu Quốc hội đã tích cực thảo luận, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các đạo luật tạo hành lang pháp lý thiết thực với tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu và toàn diện.
Phiên họp toàn thể về đối ngoại quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng đã thu hút đông đảo đại biểu, học giả và các chuyên gia ngoại giao về tham dự. |
"Quốc hội cũng thường xuyên tiến hành giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như hoạt động của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ thuộc tất cả các lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực đối ngoại. Việc giám sát này nhằm phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập để có giải pháp kịp thời, cụ thể giúp việc kiện toàn và bảo đảm triển khai hoạt động đối ngoại được chủ động và thuận lợi hơn", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ. Bên cạnh đó, các nhóm nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với Quốc hội, Nghị viện các nước đã được thành lập để triển khai công tác đối ngoại Quốc hội nhằm tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hữu nghị với nghị sỹ Quốc hội của các nước.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, phát huy lợi thế vừa mang tính đối ngoại “nhà nước”, vừa mang tính “nhân dân” sâu sắc, đóng góp quan trọng vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước tình hình thế giới và khu vực trong những năm tới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, công tác đối ngoại bao gồm cả ngoại giao nhà nước và đối ngoại quốc hội cần tập trung làm tốt 6 nội dung trọng tâm, bao gồm việc xác định rõ vị thế, tầm quan trọng của hoạt động đối ngoại Quốc hội trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động ngoại giao nghị viện để phục vụ và bảo đảm lợi ích của quốc gia, của dân tộc; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, hoàn thành hồ sơ trình Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA.
Công tác đối ngoại cũng cần tăng cường phối hợp giữa các kênh đối ngoại, cùng với ngoại giao Nhà nước, đặc biệt là đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân nhằm xử lý tốt các vấn đề đối ngoại để bảo đảm phát huy tối đa và hiệu quả nhất sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại; song song với đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương là định hướng chiến lược quan trọng đối với công cuộc đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ và nâng cao vị thế đất nước.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các cơ quan của Quốc hội, đầu mối là Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Bộ Ngoại giao cần phối hợp tốt trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, thúc đẩy và giám sát triển khai thực thi các thỏa thuận và cam kết quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, mở rộng quy mô và nâng tầm hoạt động của các Nhóm nghị sĩ hữu nghị, và nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức đối với đội ngũ làm công tác đối ngoại nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại Quốc hội nói riêng.