Đổi mới căn bản nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán

Thứ Bảy, 25/05/2019, 23:40
Sáng 25-5, tại Hà Nội, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Kế toán Việt Nam – Tương lai và triển vọng". Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, sau 25 năm đổi mới và cải cách, kế toán và kiểm toán đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế tài chính, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

Trong giai đoạn tới, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu, càng toàn diện, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hoạt động, xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế - tài chính, về kế toán kiểm toán sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn; các nền kinh tế sẽ rộng mở hơn, giao lưu và giao thoa nhiều hơn. Nhiều hiệp định, điều ước quốc tế, cam kết quốc tế sẽ được ký kết và triển khai cho phép không chỉ hàng hóa, dịch vụ mà cả dòng vốn đầu tư, các dòng tiền, nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán sẽ di chuyển tự do hơn.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cách mạng công nghệ số, nền kinh tế số đang trong thời kỳ khởi phát trên toàn thế giới, tác động rất mạnh vào các nền kinh tế nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, trong đó có kế toán và kiểm toán trên toàn thế giới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năng lực đối với người làm kế toán, kiểm toán không chỉ dừng lại ở trình độ hiểu biết và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, mà còn phải có kỹ năng tổ chức, quản trị thông tin, quản trị mạng, kỹ năng phân tích đánh giá, dự báo, năng lực tư vấn, kỹ năng khai thác, vận hành mạng, sử dụng thông tin và bảo mật thông tin, đặc biệt là thông tin kinh tế, tài chính do kế toán cung cấp...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, trong tương lai, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán cần có sự đổi mới rất căn bản từ chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo. Các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cần đảm nhiệm tốt vai trò và trách nhiệm đào tạo đội ngũ kế toán, kiểm toán có chứng chỉ nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng nghề nghiệp, nâng cao và phát triển năng lực cho những người làm kế toán, kiểm toán theo thông lệ và chuẩn mực giáo dục nghề nghiệp... hướng tới xây dựng ngành kế toán, kiểm toán của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đáp ứng những yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là phát triển Kiểm toán Nhà nước thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND địa phương trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công.

Đỗ Bình
.
.
.