Thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp

Thứ Tư, 01/05/2019, 09:05
Theo số liệu dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành nông-lâm-ngư nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.

Để giải quyết bài toán này, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp trong quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 20-1-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tăng từ mức 15,5% năm 2010  lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, không chỉ tăng về số lượng làm thế nào để nâng chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng đang là bài toán được đặt ra đối với lĩnh vực này.

GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Từ nhiều năm nay, Ngày hội việc làm nhằm tăng cường gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp được Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức thường niên.

Giờ thực hành của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Năm  2018 có 58 doanh nghiệp về tuyển dụng với 2.500 chỉ tiêu và 5 doanh nghiệp tuyến dụng không giới hạn. Năm 2019 có 70 doanh nghiệp tuyển dụng việc làm trong nhiều lĩnh vực với hơn 4.000 chỉ tiêu và 5 đơn vị tuyển dụng với số lượng không hạn chế. Đối tượng các doanh nghiệp tuyển dụng hướng đến là sinh viên đã có bằng tốt nghiệp; đã có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; đã hoàn thành bảo vệ khóa luận tốt nghiệp hoặc chuẩn bị bảo vệ khóa luận. Những con số này cho thấy, cơ hội việc làm của sinh viên nông nghiệp hiện nay rất rộng mở.

Tuy vậy, lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra một số khó khăn, bất cập trong việc đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực này. Đó là định kiến của xã hội về việc chọn ngành nghề vẫn còn tồn tại.

Chính vì vậy, ngay từ đầu vào, các trường đào tạo không có nhiều lựa chọn như đối với các ngành khác như kinh tế, y dược hay kỹ thuật. Bên cạnh đó chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp hiện chưa đủ mạnh để thu hút được sinh viên giỏi trở về quê hương sau khi tốt nghiệp; ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học và các phòng thí nghiệm tại các trường vẫn còn khiêm tốn...

Từ góc độ nhà tuyển dụng, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam cho biết: Nhìn chung, sinh viên tốt nghiệp ngành Nông nghiệp hiện nay về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, có hai kỹ năng mà sinh viên cần được tiếp tục bổ sung để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay là trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Cũng theo đề xuất của ông Tuấn, các trường ĐH nên đào tạo thêm một số ngành chuyên sâu trong nông nghiệp để đáp ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ thông tin ứng dụng trong nông nghiệp, phân tích dữ liệu chăn nuôi.

Đại diện Tập đoàn Hải Phát cũng thẳng thắn cho biết, hạn chế lớn nhất của sinh viên ngành Nông nghiệp hiện nay là chưa phát huy được tính sáng tạo; tư duy logic và giải quyết vấn đề của sinh viên còn yếu, tính thực tiễn chưa cao. Do vậy, trong quá trình đào tạo, các nhà trường cần chú trọng bồi đắp thêm cho người học về các kỹ năng này.

Tại buổi tọa đàm “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ NN&PTNT cùng phối hợp tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Hiện nay trên cả nước có khoảng 54 cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu đào tạo đại học, sau đại học có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, với khoảng 325 ngành nghề.

Hằng năm có khoảng một vạn cử nhân tốt nghiệp phục vụ cho các hoạt động khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tuy vậy, số lượng vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Về chất lượng, khảo sát năm 2018 cho thấy, trong số một vạn sinh viên tốt nghiệp thì khoảng 75% có việc làm đúng theo ngành nghề đào tạo, như vậy vẫn còn 25% nữa làm việc trong những ngành gần hoặc chưa có việc làm hoặc phải đổi nghề. 

Lí giải về tình trạng này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, nguyên nhân là do tính dự báo của một số cơ sở đào tạo còn hạn chế, bị động, vẫn nặng về đào tạo những gì trường có thế mạnh chứ chưa thực sự quan tâm tới nhu cầu thị trường và kết nối doanh nghiệp; chưa kể nhiều ngành nghề mới, lĩnh vực mới đã xuất hiện mà đào tạo lại chưa theo kịp.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình đào tạo.

“Không phải chỉ các trường nông - lâm - ngư nghiệp gói gọn trong 54 cơ sở hiện nay mới đào tạo được nhân lực cho ngành nông nghiệp. Nhiều ngành công nghệ thông tin, khoa học quản lý từ hàng trăm cơ sở đào tạo cũng có thể đào tạo nhân lực cho nông nghiệp, bởi từ khâu sản xuất đến khâu chế biến đều có thể ứng dụng công nghệ cao”-người đứng đầu ngành Giáo dục nhấn mạnh.

Hùng Quân
.
.
.