Đào tạo nguồn nhân lực: Không thể có gì đào tạo nấy

Thứ Hai, 25/03/2019, 09:26
Theo thống kê của Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm; số lao động có việc làm trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng, đạt khoảng 56 triệu lao động.


Dự báo thị trường lao động năm 2019 cũng sẽ có nhiều dịch chuyển khi nhóm lao động giản đơn sẽ giảm dần và yêu cầu chất lượng sẽ được nâng cao hơn. Thế nhưng, nghịch lý là tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng thất nghiệp vẫn rất cao. 

Nhu cầu thị trường lao động cần, tại sao một lượng lớn lao động có trình độ vẫn thất nghiệp? Có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên khảo sát ý kiến của nhiều doanh nghiệp, nguyên nhân cơ bản vẫn là đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội.

Sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu

Tốt nghiệp Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhưng hơn một năm qua, Nguyễn Thị Thu Hương vẫn đang làm công việc không liên quan gì đến chuyên ngành mình đã học. 

Chính vì thế tại phiên giao dịch việc làm vừa qua, Hương đến tham gia với mong muốn tìm được công việc đúng với sở trường mình được đào tạo. Thế nhưng, để tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành Quản trị Kinh doanh lại không đơn giản. 

“Ngành của em ra trường phù hợp công việc trong những lĩnh vực như quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính, quản lý sản xuất, quản trị Marketing, quản trị chuỗi cung ứng... Thế nhưng, với hồ sơ và kinh nghiệm em có hơn 1 năm qua, rất khó để có thể đáp ứng được yêu cầu khi ứng tuyển vào những vị trí này”, Hương chia sẻ.

Sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ý kiến nhiều doanh nghiệp cho rằng, những kỹ năng mà sinh viên được đào tạo trong nhà trường phần lớn chưa đáp ứng được những kỹ năng mà doanh nghiệp cần. 

Sinh viên ra trường hiện nay thiếu nhiều kỹ năng để đáp ứng được thực tế công việc.

Đang có nhu cầu tuyển dụng gần 20 vị trí công việc trong lĩnh vực du lịch, tuy nhiên chị Nguyễn Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty lữ hành Nhung Linh cho biết dù đăng tuyển dụng hơn 2 tháng nay vẫn chưa tuyển xong.

“Tham gia tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm, đa số là các bạn mới tốt nghiệp. Mặc dù đúng chuyên ngành du lịch nhưng rất khó để có thể tuyển dụng bởi kỹ năng nghiệp vụ của sinh viên mới ra trường rất khó đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhiều ứng viên ứng tuyển điều hành tour hoặc hướng dẫn tour nhưng khi phỏng vấn còn chưa định hình được rõ công việc. Nhiều kỹ năng mềm gần như không có, nếu tuyển dụng sẽ mất không ít thời gian để đào tạo”, chị Nguyễn Tuyết Nhung cho hay. 

Anh Nguyễn Văn Phi, Giám đốc Công ty TNHH XNK Hoàng Phi cho rằng, trong quá trình đào tạo, các cơ sở đào tạo nên chú trọng hơn đến dạy thực hành. Mặc dù học đúng ngành, ra trường làm đúng ngành  nhưng vẫn chỉ là lý thuyết, hầu hết các ứng viên chưa được làm quen với công việc thực tế nên khi được tuyển dụng vẫn còn bỡ ngỡ và doanh nghiệp lại mất một thời gian để đào tạo lại. 

Còn về phía doanh nghiệp cũng nên tạo điều kiện cho các bạn sinh viên đến thực tập và liên kết với các nhà trường để có được nguồn lao động có trình độ và kỹ năng.

Đào tạo phải đáp ứng nhu cầu xã hội        

Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp phàn nàn về kỹ năng công nhân được đào tạo tại trường không phù hợp với những kỹ năng mà doanh nghiệp cần rất lớn. 

65% chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, những kỹ năng mà trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp phải tự đào tạo hoặc đào tạo lại lao động theo hình thức vừa học, vừa làm. Qua đó có thể thấy, công tác đào tạo hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. 

Hiện cả nước có khoảng 200 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm. Điều đáng nói là tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa hiệu quả, cơ sở giáo dục chỉ đào tạo những gì mình có mà không đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, thì chương trình đào tạo đại học hiện nay còn nặng về lý thuyết, nên nhiều cử nhân, nhất là những người trong suốt quá trình học, chỉ bám giảng đường thật sự bỡ ngỡ khi bước vào môi trường công việc, không đáp ứng được nhu cầu công việc, dẫn đến thất nghiệp. Không ít giáo trình đào tạo chưa sát thực tiễn. 

“Không chỉ vậy, chương trình giáo dục đại học hiện chưa chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, các kiến thức văn hóa, xã hội, năng lực tư duy… Thiếu kỹ năng mềm, thiếu trải nghiệm thực tế là điều mà hầu hết các nhà tuyển dụng đều nhận thấy ở nhiều cử nhân khi tới xin việc. Các kỹ năng đơn giản như gửi email, cách giao tiếp, kỹ năng văn phòng... nhưng nhiều sinh viên ra trường hiện nay cũng không có. Những kiến thức học được từ giảng đường là cần thiết nhưng chưa đủ”, PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ - TBXH), thì giải pháp hiện nay là các trường phải tăng cường gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và thực tập cho học sinh, sinh viên. Đồng thời các trường phải thực hiện công khai chuẩn chất lượng tốt nghiệp của học sinh, sinh viên để từng bước đạt chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. 

“Các trường cần năng động hơn trong liên kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã mời trường đến đào tạo tại chỗ. Không ít các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cam kết việc làm cho sinh viên. Đây là một việc làm rất thiết thực, có ý nghĩa, giúp cả hai bên chủ động được công tác đào tạo, đào tạo được đúng người, đúng việc và có hiệu quả”, ông Trung nói. 

Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung cũng nhấn mạnh, công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định và định hướng cho toàn bộ công tác tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nghề đối với người lao động. 

Để làm được điều này, phải dự báo được các ngành, khu vực trước hết là trong ngắn hạn, sau đó là trung hạn và dài hạn để biết được cần bao nhiêu lao động, đối tượng lao động là gì. Từ đó thông tin, khuyến cáo, định hướng người lao động, học sinh sinh viên học ngành nghề gì.

Phan Hoạt
.
.
.