Diện tích rừng tự nhiên tăng lên, nhưng 35% là rừng nghèo kiệt

Thứ Năm, 05/11/2020, 16:37
Đó là thông tin mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường giải trình trước Quốc hội chiều nay (5/11). Tuy nhiên dường như thông tin ấy không làm thỏa mãn các đại biểu, nhiều ý kiến tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 5/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đã tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về bản chất của những con số liên quan đến diện tích rừng của nước ta hiện nay.

Rừng tự nhiên tăng 1,5 triệu ha trong 30 năm

Theo ông, ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có nói, chúng ta trước đây có 9 triệu ha rừng, bây giờ có 14 triệu ha rừng, đó là tốt, là ưu điểm. Ông muốn hỏi thêm, mấy chục năm trước chúng ta có 9 triệu ha rừng nhưng mà bao nhiêu rừng tự nhiên và bao nhiêu rừng trồng? Bây giờ chúng ta có 14-15 triệu ha rừng là bao nhiêu rừng tự nhiên, bao nhiêu rừng trồng?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.

"Bởi vì, vai trò của 2 loại rừng này khác nhau, không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia cực kỳ rộng lớn về lãnh thổ như Mỹ hay Canada người ta kiên quyết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng tự nhiên. Đã có đại biểu thể hiện rồi và tài liệu cũng cho thấy vai trò chức năng bảo vệ, năng lực bảo vệ đất đai, bảo vệ rừng rồi tích lũy nước ngầm của rừng tự nhiên rất là khác với rừng trồng. Rừng trồng được phép khai thác, 3 năm đến 5 năm là chặt đi, trồng mới thì nó khác. Ngay chỗ này, tôi đề nghị là mình không thể nói chung chung để mình so sánh đơn giản thế được", đại biểu phân tích.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cũng nêu một thực tế, từ ngày 1-1-2019 đến nay, số dự án đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng giảm gần 96%, nhưng tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên đề xuất chuyển đổi lại tăng, chiếm đến 90% diện tích rừng đề xuất chuyển đổi. Mặc dù theo quy định tại Thông tư 13, diện tích trồng rừng thay thế gấp 3 lần diện tích rừng bị chuyển đổi nhưng phần lớn rừng trồng là các loại cây khai thác gỗ không có khả năng trữ nước. Khả năng cản nước, giữ nước, ngăn lũ rất hạn chế, nhất là việc thay đổi vị trí phòng hộ đầu nguồn của rừng tự nhiên.

Giải trình thêm về vấn đề này chiều 5/11, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong tổng số 14,6 triệu ha rừng hiện nay (của cả nước – PV) thì riêng rừng tự nhiên có 10,3 triệu ha. Như vậy, so với cách đây 30 năm chỉ có 9 triệu ha, thì đã tăng được 1,3 triệu ha rừng tự nhiên. 

"Tuy nhiên, phải khẳng định, chất lượng rừng tự nhiên của chúng ta hiện nay chưa được tốt. Trong tổng số 10,3 triệu ha, chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng; 50% là rừng trung bình; còn 35% còn lại là rừng nghèo kiệt", ông thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Do đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng tới đây phải có chính sách khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, phải tăng hơn nữa định mức để cho người dân tham gia chăm sóc ngày càng đảm bảo độ giàu về đa dạng sinh học và tăng lên về trữ lượng. Kể cả 4,3 triệu ha rừng trồng tới đây chúng ta cũng phải thay đổi bằng kết cấu rừng lâu năm, cơ cấu hài hòa kết hợp, đặc biệt là những nhóm cây bản địa.

"Tới đây trong chương trình dự án phát triển rừng giai đoạn 2021-2030 chính phủ đã lấy ý kiến các bộ ngành và các địa phương, tới đây sẽ trình phê duyệt. Chúng ta sẽ đảm bảo mọi khả năng cung ứng tốt nhất để chúng ta có được chất lượng rừng ngày càng đảm bảo" - Bộ trưởng bổ sung thêm.

Bộ trưởng nói có điều gì "sai sai"

Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐBQH Ksor H' Bơ Khăp (Gia Lai) đã có phần tranh luận lại. Theo bà, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN nói 9 triệu lên 14 triệu ha là con số đáng phấn khởi, nhưng con số này "rất vô lý và có điều gì đó sai sai". Bởi ít nhất trong kỳ họp Quốc hội này, mỗi một kỳ họp chúng ta liên tục nghe những dự án, công trình liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong đó có rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên.

ĐBQH Ksor H' Bơ Khăp.

"Do vậy con số 14 triệu ha không thể là diện tích rừng tự nhiên tăng lên được. Cây cao su, cà phê, tiêu cũng được tính vào tỷ lệ cây phủ rừng. Nhưng rừng là nơi cây xanh hấp thụ CO2 để thải ra O2, song cây cao su là loại cây ngược lại, hút O2 và thải ra CO2, do vậy không có một con gì có thể sống được trong rừng cây cao su", nữ đại biểu nhấn mạnh.

Mà cây cao su không chỉ là cây trồng ở các dự án ở Tây Nguyên mà còn ở Tây Bắc. Do vậy, bà cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần phải nghiên cứu lại, điều chỉnh các dự án này như thế nào đối với các cây gỗ rừng tự nhiên.

An Quỳnh
.
.
.