Danh mục dự án đầu tư công: “Quốc hội quyết định sẽ minh bạch hơn”

Thứ Năm, 09/05/2019, 17:05

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm tại Phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến lần hai về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), chiều nay, 9-5.



Hai phương án: Quốc hội quyết định hoặc Chính phủ quyết định

Theo báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải trình bày, về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn (Điều 62), đa số ý kiến ĐBQH thống nhất quy định Quốc hội quyết định, bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương để bảo đảm thể hiện đầy đủ tinh thần Hiến pháp; giữ được tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong xem xét, quyết định những vấn đề liên quan đến ngân sách Nhà nước (NSNN); đồng thời bảo đảm quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Tuy nhiên, Chính phủ kiến nghị UBTVQH xem xét, quyết định theo hướng giao Chính phủ có thẩm quyền quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo đúng các nội dung chủ yếu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua (mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, tiêu chí, tổng mức vốn, cơ cấu vốn...).

Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, danh mục, mức vốn của các dự án đầu tư công là vấn đề quan trọng, liên quan đến phân bổ tổng nguồn lực NSNN rất lớn trong cả giai đoạn 5 năm, có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia, cần phải được Quốc hội xem xét, quyết định.

Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương cơ cấu lại đầu tư công, theo đó cần thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính, NSNN và nợ công; thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công. Quốc hội quyết định kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn là một phần không thể tách rời của Kế hoạch tài chính 5 năm.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải

Từ những phân tích nêu trên, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, việc Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm cả danh mục chương trình, dự án đầu tư công để phù hợp với Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, để tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý NSNN và đầu tư công, Quốc hội chỉ quyết định danh mục các dự án thuộc ngân sách Trung ương đảm nhận, các dự án thuộc địa phương, kể cả dự án do Trung ương hỗ trợ sẽ do HĐND tỉnh xem xét và quyết định trên cơ sở cân đối được nguồn vốn.

Trường hợp cần thiết Quốc hội giao cho UBTVQH quyết định

 Mặt khác, trên thực tế, việc Quốc hội quyết định danh mục có thể gặp khó khăn nhất định do đặc điểm nước ta Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ trong khi việc hoàn chỉnh danh mục và phân bổ vốn trung hạn khó hoàn tất trong một kỳ họp. Vì vậy, để bảo đảm quy định chặt chẽ nhưng linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, Thường trực Ủy ban TCNS kiến nghị tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng: Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm những nội dung quan trọng như: tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư thuộc ngân sách Trung ương.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội có thể giao UBTVQH xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Quy định này vừa bảo đảm vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, vừa bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời, cũng nhằm bảo đảm tính thống nhất với các Nghị quyết đã giao UBTVQH quyết định danh mục. Uỷ ban TCNS xin ý kiến UBTVQH về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nên quy định Quốc hội quyết định danh mục dự án. Việc này xuất phát từ thực tiễn, từ khoá XII khi làm trái phiếu Chính phủ thì Quốc hội chỉ quyết định một số danh mục như giao thông nông thôn, y tế, giáo dục, thuỷ lợi… nhưng Chính phủ lại đưa ra một số danh mục, tổng đầu tư với số vốn rất lớn.

“Đầu thì nhỏ nhưng đuôi vĩ đại như ngôi sao chổi. Nên mới có danh mục 881, rất quan trọng, sau đó những danh mục nào tăng thêm thì do UBTVQH quyết định, và sau đó hầu như danh mục nào cũng do Quốc hội quyết định và bị thu gọn hết. Nhờ đó trái phiếu Chính phủ gói gọn lại, không bị phình ra, chúng ta giữ được bội chi ngân sách và nợ công. Như vậy để thấy vấn đề danh mục đầu tư rất quan trọng”, ông phân tích.

Trình Quốc hội cả hai phương án

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu Quốc hội quyết định danh mục thì sẽ minh bạch hơn, vì 63 tỉnh thành có 63 đoàn ĐBQH. Đưa ra Quốc hội sẽ minh bạch, không có chuyện thắc mắc sao địa phương này được 1 ngàn, địa phương kia được 2 ngàn…

Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, khi các địa phương trình danh mục dự án bên cạnh gửi Chính phủ để đề nghị thì đồng thời còn gửi UBTVQH để giám sát. “Đó là những cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm tra, xem Chính phủ có lắng nghe ý kiến địa phương và bố trí vốn có hợp lý hay không”, bà nói. Do còn hai luồng ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc này sẽ đem ra xin ý kiến ĐBQH.

Thay mặt Ban soạn thảo giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định quan điểm của Chính phủ là Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng nhất, kể cả ngân sách. Nhưng để thuận tiện và vận hành cho tốt thì Quốc hội có thể phân cấp, uỷ quyền lại cho UBTVQH hay Chính phủ. Điều này vẫn đảm bảo quyền lực của Quốc hội nhưng được Quốc hội uỷ quyền.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

“Thứ hai, trên tinh thần chúng ta đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thì cái gì phân cấp được xuống dưới thì chúng ta phân cấp xuống dưới. Thứ ba, giao cho Chính phủ thì Chính phủ chủ động hơn và chịu trách nhiệm hơn. Việc trình lên Quốc hội thì rất phức tạp về thời gian, thủ tục”, ông lý giải.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, theo Luật Ban hành văn bản quy định pháp luật thì cấp nào quyết định cấp ấy điều chỉnh. Do đó nay mai mà Quốc hội quyết định thì nếu có điều chỉnh 1-2 đồng cũng phải trình lại Quốc hội. “Có nên như vậy không hay Quốc hội chỉ quyết định khung và nâng cao khả năng giám sát?”, ông nêu quan điểm trong lúc chưa đánh giá được tác động của việc đưa lên Quốc hội tốt hơn hay giữ nguyên tốt hơn thì chúng ta nên giữ nguyên.

Góp ý kiến tại phiên họp, Thường trực Uỷ ban TCNS Lê Thanh Vân khẳng định không có cơ sở để giao cho Chính phủ thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn bởi các lý do: Thứ nhất đây là quyền của Quốc hội, thứ hai danh mục là bộ phận cấu thành của dự án, gắn với thẩm quyền của Quốc hội. Thứ ba, Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội nên không thể chuyển uỷ quyền lập pháp cho Chính phủ thông qua giao cho Chính phủ vấn đề này. Có chăng thì giao cho UBTVQH.

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ trình ra Quốc hội cả hai phương án để Quốc hội cho ý kiến.


Bảo Quân
.
.
.