Đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ tài sản Nhà nước
- Người lao động sẽ thiệt như thế nào khi lĩnh bảo hiểm xã hội một lần?
- Giải đáp gần 100 câu hỏi về Bảo hiểm xã hội
- Tích hợp, mở rộng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp
Trước tình trạng các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN nhằm trục lợi, lạm dụng các quỹ BHXH, BHYT ngày càng phức tạp, ngày 16-5-2012, BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát) thuộc Bộ Công an đã ký kết Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXH trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Quy chế này nhằm mục đích góp phần bảo vệ trật tự quản lý kinh tế và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam, giai đoạn 2012-2017. Quy chế phối hợp được xây dựng với nguyên tắc hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên.
Qua 5 năm qua (2012-2017) thực hiện Quy chế phối hợp, BHXH các tỉnh, thành phố đã thường xuyên chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; kịp thời trao đổi thông tin; phối hợp với Công an và các cơ quan có liên quan ở địa phương để thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị (trong đó có 2.228 đơn vị sử dụng lao động; 80 cơ sở KCB BHYT; phối hợp xác minh làm rõ 86 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật). Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng, vi phạm theo quy mô từ nhỏ đến lớn.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thực hiện những chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. |
Đã yêu cầu chủ sử dụng lao động làm thủ tục tham gia BHXH bắt buộc cho 4.812 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH; thực hiện khắc phục tiền nợ và truy thu (gồm cả tiền lãi chậm đóng) với số tiền là 576.073 triệu đồng; yêu cầu truy thu 17.043 triệu đồng tiền truy đóng BHXH, BHTN, BHYT và tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH; yêu cầu thu hồi, xuất toán 48.861 triệu đồng do lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT.
Trong quá trình triển khai đôn đốc thu hồi số tiền do thanh tra, kiểm tra và phát hiện trục lợi, kết quả số tiền đã khắc phục nợ là 252.797 triệu đồng; đồng thời đã thu hồi 6.447 triệu đồng tiền truy đóng BHXH, BHTN, BHYT, tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH và 3.134 triệu đồng do chi sai, lạm dụng KCB BHYT.
Cơ quan BHXH và cơ quan Công an các địa phương cũng đã phối hợp, phát hiện một số phương thức thủ đoạn hoạt động tội phạm như: Các tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về BHXH, BHTN để thực hiện những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, đặc biệt là quỹ ốm đau - thai sản.
Tình trạng thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH hay doanh nghiệp (DN) cố tình lập và sử dụng 2 hệ thống thang bảng lương khác nhau nhằm trốn đóng tiền BHXH của NLĐ mà theo quy định pháp luật họ phải đóng cho cơ quan BHXH; một số cơ sở KCB cố tình lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng, thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng để trục lợi quỹ BHYT...
Nhân dịp Hội nghị sơ kết 5 năm Quy chế phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát, đồng chí Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh; Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã trao đổi với PV Báo CAND về việc cần thiết phải tăng cường Quy chế phối hợp, phương hướng nhiệm vụ chung của hai cơ quan để nâng cao hiệu quả Quy chế phối hợp trong tình hình mới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh: Tăng cường hơn nữa việc thực hiện Quy chế phối hợp trong những năm tới góp phần đảm bảo quyền lợi an sinh chính đáng, thiết thân của NLĐ và người dân. Trao đổi với PV, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đã cho biết những điểm mới trong Quy chế phối hợp được triển khai trong 5 năm tới. Theo đó, điểm nổi bật được hai cơ quan thống nhất triển khai Quy chế phối hợp lần này chính là việc phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm, tiến tới thống nhất bổ sung các hoạt động như: Phối hợp phòng, chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Việc bổ sung, tăng cường các hoạt động phối hợp được hai cơ quan đánh giá cao và kỳ vọng sẽ góp phần tích cực trong công tác quản lý hiệu quả các quỹ BHXH, BHYT, hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách BHXH, BHYT; đảm bảo quyền lợi an sinh chính đáng, thiết thân của NLĐ và người dân. Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát: Những kinh nghiệm trong chỉ đạo, thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện xử lý các vụ án , vụ việc liên quan đến BHXH tiếp tục được vận dụng, phát huy tại các địa phương.
Sau khi Quy chế được ban hành, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã giao nhiệm vụ cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng chỉ đạo, quán triệt triển khai tới Công an các địa phương. Từ năm 2012 đến nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế cả nước đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm thông tin, tài liệu do cơ quan BHXH chuyển sang. Lực lượng Cảnh sát kinh tế cũng đã chủ động tiến hành công tác nghiệp vụ tại các đơn vị thuộc hệ thống cơ quan BHXH để nắm tình hình địa bàn và thu thập tài liệu liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này. Qua công tác nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết đơn, thư tố giác, tin báo tội phạm về lĩnh vực BHXH, BHYT, từ năm 2012 đến tháng 6-2017, đã phát hiện, điều tra, xử lý 70 vụ việc; đã khởi tố điều tra 46 vụ, với gần 130 đối tượng, với tổng thiệt hại 70 tỷ đồng; đã xử lý hành chính 18 vụ, tổng số tiền thu hồi được hơn 20 tỷ đồng. |