Đảm bảo an ninh biên giới Việt - Lào tạo thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của 2 quốc gia

Thứ Tư, 13/09/2017, 09:48
Đường biên giới giữa 2 nước Việt Nam - Lào có chiều dài hơn 2.337km, việc đảm bảo an ninh vùng biên giới sẽ tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của 2 quốc gia.

Nhân dịp 2 nước Việt Nam và Lào kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2017) và 40 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017), sáng 13-9, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy Quảng Nam và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền kết quả công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, công tác quản lý biên giới Việt Nam - Lào năm 2017 cho các lực lượng làm công tác tuyên truyền về biên giới trên đất liền tuyến Việt Nam - Lào.

Đây là Hội nghị tập huấn tuyên truyền kết quả công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, công tác quản lý biên giới Việt Nam - Lào lần thứ nhất được tổ chức trong năm 2017.

Ông Phạm Văn Linh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới và quản lý biên giới Việt Nam - Lào đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hội nghị lần này nhằm tuyên truyền việc hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, bảo vệ biên giới và 2 văn kiện “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào” và “Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào”.

Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu.

Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã nghe và trao đổi, thảo luận về các vấn đề mối quan hệ Việt Nam - Lào, kết quả, ý nghĩa của công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào; những thuận lợi, khó khăn và phương hướng trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự và nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý, bảo vệ biên giới Việt Nam - Lào; định hướng phát triển kinh tế biên giới trong thời gian tới; kết quả trao đổi thương mại qua biên giới thời gian qua và định hướng hợp tác trong thời gian tới.

Khu vực biên giới Việt Nam - Lào gồm 156 xã, phường, thị trấn của 36 huyện, thị thuộc 10 tỉnh; dân số khoảng 132.000 hộ với gần 600.000 nhân khẩu.

Đường biên giới giữa 2 nước dài hơn 2.337km, điểm đầu từ xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum; phía Lào gồm các tỉnh Phông Xa Lì, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Van Na Khet, Sa La Van, Sê Kông, At Ta Pư.

Sau 5 năm triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam- Lào, hai bên đã hoàn thành xây dựng một hệ thống mốc giới với 792 vị trí mốc (tương ứng với 834 cột mốc) và cắm bổ sung hơn 20 cọc dấu, góp phần làm rõ hướng đi của đường biên giới.


Ngọc Thi
.
.
.