Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình:

"Biến Buôn Ma Thuột thành điểm đến của cà phê thế giới"

Chủ Nhật, 10/03/2019, 13:41
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk 2019, một trong những chuỗi hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7.


Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức Quốc tế cùng các Tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Vùng đất tiềm năng nhưng vẫn còn bỏ ngỏ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk nằm ở khu vực trung tâm của vùng Tây Nguyên, có diện tích tích đứng thứ 4 cả nước với 13.000km2, dân số hơn 1,9 triệu người. Là địa bàn có khoảng 40% diện tích là đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa, phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị như cà phê, hồ tiêu, cao su...

Đắk Lắk cũng là một trong những cái nôi nuôi dưỡng văn hóa Tây Nguyên, có bản sắc văn hóa đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn và mang trong mình bản sắc văn hóa đa dạng, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Tỉnh cũng là thị trường tiêu thụ, nguồn lao động dồi dào của các doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng là nơi có nhiều tiềm năng điện năng lượng mặt trời, điện gió.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đóng góp ý kiến về những hạn chế cũng như lợi thế trong việc thu hút đầu tư của tỉnh Đắk Lắk, PGS.TS TRần Đình Thiêm (Tổ chuyên gia tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, với tiềm năng của Đắk Lắk hiện có không chỉ là cơ hội của tỉnh nhưng lại là thách thức của doanh nghiệp. Bởi nếu chỉ là tài nguyên và đào lên để thu lợi nhuận thì quá dễ, tiềm năng chỉ mới là cơ hội, là bài toán của doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự tại hội nghị

Cũng theo ông Thiêm, cách đây hai năm, Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng Tây Nguyên, điều đó cho thấy quyết tâm của Chính Phủ về việc phát triển đặc trưng, thế mạnh Tây Nguyên. “Tôi cho rằng, bảo vệ thế mạnh này cũng là thách thức của tỉnh. 

Hiện nay mực nước ngầm Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang xuống rất nhanh, có thể mỗi năm sụt 0,5m. Trong khi đó, Tây nguyên có lợi thế về rừng, về nước mà đang đối mặt với việc sụt giảm nguồn nước. Đây là điều chúng ta cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo”, ông Thiêm nói.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong phát triển hiện nay, mỗi quốc gia, mỗi vùng phải chọn cho mình một lợi thế và Việt Nam đã chọn lợi thế nông nghiệp. Năm vừa qua, chúng ta xuất khẩu 42 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp, đến 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao đổi với các doanh nghiệp trong và ngoài nước bên lề Hội nghị

Nói đến cà phê, đây là thứ nước uống rất đặc biệt, cuốn hút cả thế giới này. Cà phê đã thành một ngành kinh tế, một nét văn hóa. Thế giới có 10 triệu hecta với 9 triệu tấn, thu 35 tỷ USD xuất khẩu. Việt Nam chiếm 7% diện tích, 20% sản lượng thế giới. Chúng ta đã xây dựng một ngành cà phê chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê (3,5 tỷ USD) hiện nay.

“Thuận lợi của cà phê Việt Nam là trồng ở độ cao 500-800m, bức xạ tốt nên chất lượng cà phê tốt. Cái mà chúng ta là khai thác giá trị của hạt cà phê. Chúng ta không chủ trương tăng diện tích, còn phải giảm để tập trung chế biến sâu, tăng cường quảng bá sản phẩm ra ngoài. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng với Đắk Lắk nhằm giải quyết những vướng mắc về quản lý nhà nước ở góc độ quản lý của Bộ để nông nghiệp địa phương phát triển mạnh hơn nữa”, ông Cường nói.

Đắk Lắk cần phải đổi mới để thu hút đầu tư

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình cho rằng, hội nghị là cơ hội quý giá để tỉnh Đắk Lắk đánh giá lại thực trạng, tìm giải pháp thu hút đầu tư. “Cuối năm 2018 đã có hơn 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động.  Đắk Lắk có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện thổ nhưỡng nên trong những năm qua đã thu hút hơn 260 dự án. Trong khuôn khổ hội nghị này, tỉnh thu hút hàng chục dự án với hơn 71 ngàn tỷ đồng, trong đó 13 dự án đã đầu tư, 19 dự án trao quyết định đầu tư. Đáng chú ý là các dự án về năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao”, Phó Thủ tướng nêu.

“Đắk Lắk phải có những tìm tòi, đổi mới, đề ra các giải pháp nhằm thu hút đầu tư hiệu quả. Đắk Lắk không chỉ có cà phê mà còn nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp chế biến. Đắk Lắk cần có tầm nhìn mới, khát vọng và nhiệt huyết vươn lên để thúc đầy phát triển kinh tế xã hội. Song song với việc khai thác tiềm năng hiện có, Đắk Lắk phải khẳng định là một tỉnh lớn, là thủ phủ cà phê không chỉ Việt Nam mà là thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các đại biểu chứng kiến ký kết chương trình hợp tác và đầu tư giữa UBND tỉnh Đắk Lắk và các doanh nghiệp

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, để đạt được mục tiêu này, cần có quy hoạch tổng thể, có tầm nhìn xa về kinh tế - xã hội; xây dựng kết cấu hạ tầng, đất đai. Gắn với quy hoạch vùng, mục tiêu xuất khẩu nông sản mang tầm quốc gia. Tỉnh phải xây dựng sản phẩm nào, ngành công nghiệp nào là mũi nhọn, trong đó chú trọng các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ. “Thu hút đầu tư vào nông, lâm nghiệp, trong đó ưu tiên sản xuất công nghệ cao vào cà phê, cây ăn trái, lấy gỗ cao su sau chu kỳ lấy mủ. Bên cạnh đó tăng cường chế biến sâu đối với các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Phải biến cà phê Buôn Ma Thuột phải có hàm lượng giá trị cao, để trở thành điểm đến cà phê thế giới, trở thành tinh hoa. Phải hướng đến xây dựng thương hiệu quốc gia, tạo ra giá trị gia tăng cao trong ngành cà phê mới tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ”, Phó Thủ tướng nêu.

“Đắk Lắk cần tận dụng những khu vực đất cằn cỗi để phát triển năng lượng tái tạo. Phải trở thành những “cánh đồng điện gió, điện năng lượng mặt trời” trên những cánh đồng khô cằn. Để đạt được những mục tiêu này, cần cải cách thủ tục hành chính mạnh hơn để thu hút nhà đầu tư. Cần nâng cao trách nhiệm cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Tại hội nghị lần này, tỉnh Đắk Lắk trao giấy chứng nhận đầu tư cho 40 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 71.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án về năng lượng tái tạo, nông nghiệp, giáo dục, y tế và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn.


Văn Thành
.
.
.