Đại biểu đề cập tình trạng “lạm phát” bằng tiến sỹ, tràn lan các giáo sư

Thứ Ba, 12/06/2018, 18:40
"Tôi đề nghị cần triển khai một cách nghiêm túc hơn, thực chất hơn chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ", đại biểu Phùng Đức Tiến nêu quan điểm.

Chiều 12-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

ĐBQH Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu ra tình trạng dạy chay, học chay, thiếu gắn kết với thực tiễn trong giáo dục đại học, chất lượng hạn chế chưa gắn với nhu cầu xã hội, thị trường lao động, dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, thất nghiệp. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhất là lao động chất lượng cao.

ĐBQH Phùng Đức Tiến

“Giáo dục đại học hiện nay bất cập ngay từ quan niệm nhận thức học để thi, không phải học vì kiến thức, thi cho đỗ để lấy tấm bằng theo chuẩn nên tình trạng ra trường số lượng cao nhưng chất lượng thấp”, đại biểu nói.

Theo ông, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Như vậy sinh viên được tiếp cận với phương pháp nghiên cứu và cập nhật được công nghệ, khi ra trường tiếp cận nhanh với khởi nghiệp, sáng tạo hoặc không phải đào tạo lại khi các doanh nghiệp tiếp nhận.

Đồng quan điểm, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị Luật cần khắc phục triệt để tình trạng người có trình độ đại học bị thất nghiệp.

“Ở Việt Nam để có một học sinh tốt nghiệp đại học là sự hy sinh, góp nhặt của cả gia đình, nhiều khi là của cả dòng họ. Chi phí đào tạo đại học là gánh nặng lớn của đa phần người dân nên không thể để sinh viên ra trường thất nghiệp. Hai là nhu cầu về nhân lực chất lượng cao có trình độ chuẩn đại học là rất lớn đối với quốc gia đang phát triển” – ĐBQH tỉnh Phú Thọ phân tích.

Khẳng định chất lượng đào tạo đại học của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ, kiến thức và số lượng đào tạo chưa cân đối với nhu cầu, đại biểu Hoàng Quang Hàm đưa ra giải pháp trong lập quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học.

“Khắc phục triệt để tình trạng có ngành đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu, nhưng có ngành đào tạo thừa, gia tăng số lượng sinh viên thất nghiệp, cân nhắc sửa đổi những điều khoản liên quan đến chuẩn đầu ra trong điều kiện giao tự chủ mạnh cho các cơ sở giáo dục đại học…” – ông nói.

ĐBQH Hoàng Văn Cường

ĐBQH Phùng Đức Tiến cũng đề cập đến tình trạng “lạm phát” bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam trong thời gian qua, khiến nhiều người bức xúc.

“Để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của nước ta trong những năm tới được nâng cao, tôi đề nghị cần triển khai một cách nghiêm túc hơn, thực chất hơn chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ”, đại biểu nêu quan điểm.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) nêu ý kiến trong bổ nhiệm các chức danh giáo sư. Kinh nghiệm của thế giới, khi các trường đại học bổ nhiệm một giáo sư thì luôn gắn với các nhiệm vụ mà giáo sư đảm nhận và có các điều kiện buộc giáo sư đó phải thực hiện”.

Theo ông, như thế sẽ tránh được tình trạng bổ nhiệm tràn lan nhiều giáo sư nhưng bổ nhiệm xong thì số giáo sư này cũng không đảm nhận được công việc gì khác trước khi bổ nhiệm.

“Chúng ta cũng nên thực hiện cơ chế giao quyền bổ nhiệm chức danh này cho các trường chứ không nên thực hiện cơ chế như trước đây là qua các hội đồng, đặc biệt các hội đồng ngành, tạo ra rất nhiều phiền toái, không hay như thời gian vừa qua” – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết.


Bảo Trung
.
.
.