Đại biểu Quốc hội và cử tri kỳ vọng gì ở phiên chất vấn?

Chủ Nhật, 03/06/2018, 20:59
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được cải tiến nhằm tăng cường tính tranh luận khi mỗi đại biểu có 1 phút để đặt câu hỏi và người được chất vấn sẽ trả lời sau khi 3 đại biểu hỏi, thời gian trả lời không quá 3 phút. Trước ngày chất vấn, chúng tôi đã có trao đổi với một số đại biểu Quốc hội về những mong muốn, kỳ vọng của họ trong đợt chất vấn lần này.

Dự kiến, từ ngày 4 đến 6-6, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải; Tài nguyên - Môi trường; Giáo dục- Đào tạo; Lao động, Thương binh và xã hội; Xây dựng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV.  

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được cải tiến nhằm tăng cường tính tranh luận khi mỗi đại biểu có 1 phút để đặt câu hỏi và người được chất vấn sẽ trả lời sau khi 3 đại biểu hỏi, thời gian trả lời không quá 3 phút. Trước ngày chất vấn, chúng tôi đã có trao đổi với một số đại biểu Quốc hội về những mong muốn, kỳ vọng của họ trong đợt chấn vấn lần này.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng hoạt động chất vấn tại kỳ họp này có nhiều điểm mới so với các kỳ trước nên  sẽ tăng tính chất vấn lên. 

“Trước đây, mỗi đại biểu có thể nêu 2-3 câu hỏi, sau đó các thành viên Chính phủ sẽ gom vấn đề, theo nhóm rồi trả lời. Điều này sẽ giải quyết được câu chuyện có thể trả lời vấn đề 1 cách tổng thể nhưng trực tiếp vào từng câu hỏi của đại biểu thì chưa chắc chắn. Còn đây là trả lời đúng vào câu hỏi của đại biểu thì tính chất vấn tăng lên. Và trả lời 3 câu hỏi 1 lúc sẽ tiết kiệm thời gian hơn”- đại biểu Phạm Tất Thắng nói.

Đại biểu Phạm Tất Thắng

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho biết, trước tình trạng sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng ra trường không có việc làm ngày càng tăng, với vai trò là đại biểu quốc hội, nữ đại biểu này sẽ có câu hỏi chất vấn Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. 

“Hiện nay vấn đề bất cập và gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước là vấn đề đất đai. Tôi cũng muốn Bộ Tài nguyên- Môi trường có giải trình trước quốc hội về vấn đề quản lý đất đai của doanh nghiệp, nhà nước trước khi cổ phần hóa. Bộ sẽ có cách tháo gỡ, giải pháp như thế nào để sớm khắc phục và tránh lãng phí”- đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết chia sẻ. 

Đại biểu Hà Sỹ Đồng

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) thì cách thức đổi mới hỏi nhanh, đáp gọn được các đại biểu và cử tri kỳ vọng sẽ tăng số lượng câu hỏi gửi đến các Bộ trưởng, trưởng ngành và đi thẳng vào câu hỏi để trả lời trọng tâm các vấn đề mà cử tri quan tâm. 

Đại biểu Đồng cũng đồng quan điểm với đại biểu Phạm Tất Thắng và cho rằng, việc điều chỉnh thời gian ngắn nhưng đủ để các đại biểu đi thẳng vào vấn đề, người bị chất vấn trả lời trực tiếp từng câu hỏi của đại biểu chứ không tập trung theo nhóm vấn đề như trước đây. “Đối thoại, tranh luận trực tiếp giữa đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn sẽ có hiệu quả và chất lượng cao hơn” – đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) kỳ vọng rằng giám sát hiệu quả nhất vẫn là thể hiện tại phiên chất vấn bởi tất cả đại biểu đều biết, cử tri, Chính phủ đều biết và phải quan tâm hơn vì người ta đã đặt lên bàn nghị sự. 

Trước việc chất vấn trực tiếp như này buộc các đại biểu và cả các thành viên Chính phủ phải chuẩn bị kỹ lưỡng. “Đây là cơ hội để các thành viên Chính phủ giãi bày để đại biểu, cử tri hiểu, thông cảm, chia sẻ với những khó khăn của ngành”- đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết.

Qua theo dõi các thông tin, cử tri đánh giá cao các đại biểu Quốc hội mang tâm tư phản ánh và bức xúc của người dân về các vấn đề kinh tế, xã hội, đảm bảo y tế, đảm bảo ANTT. Bên cạnh đó, cử tri cũng lo lắng về tình trạng xuống cấp đạo đức, văn hóa, tình trạng mất an ninh an toàn xã hội trong một bộ phận người dân hiện nay; đề nghị Quốc hội giám sát, đánh giá thực chất về vấn đề dạy và học.

Cử tri Nguyễn Văn Hồng ở phường Nam Đồng, Hà Nội bày tỏ mong muốn Quốc hội kỳ này sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, nhất là các luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 

“Tôi rất hy vọng và ủng hộ và hi vọng Đảng ta tiếp tục đấu tranh mạnh với tình trạng tham nhũng, giải quyết nhanh, xử lý nghiêm trước pháp luật các đối tượng vi phạm. Nhà nước đã có sự tập trung rất cao, Tổng Bí thư là Trưởng ban phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, ngày 2-6, Uỷ ban Kiểm tra đã công bố các sai phạm của tập thể, cá nhân trong vụ mua cổ phần tại AVG, đã xác định có các vi phạm rất nghiêm trọng. Đề nghị phải xử lí nghiêm để làm gương cho đối tượng khác” – cử tri Nguyễn Văn Hồng cho biết.

Cử tri Hoàng Thị Hoa ở phường Đình Bảng, Bắc Ninh thì cho rằng “Đường Quốc lộ 1A bao nhiêu năm qua chúng tôi vẫn đi lại bình thường, công ty BOT rải nhựa lên 10cm, thu phí 30 nghìn đồng/xe ô tô con. Như thế là lấy tài sản của nhà nước làm tài sản của cá nhân, doanh nghiệp. Tôi đề nghị các đại biểu chất vấn Bộ Giao thông vận tải vấn đề này, làm rõ cho nhân dân chúng tôi biết”.

Phương Thuỷ
.
.
.